Để tưởng nhớ người nữ tướng tài ba, nhân kỷ niệm 30 năm Ngày mất của Nữ tướng Nguyễn Thị Định (26-8-1992 - 26-8-2022), tỉnh Bến Tre sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh đặc biệt “Có phải người còn đó”. Chương trình tái hiện lại những sự kiện quan trọng và những thành tựu trong cuộc đời hoạt động cách mạng của vị nữ tướng đầu tiên của nước ta.
Chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh đặc biệt “Có phải người còn đó” được tổ chức tại Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định (xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm) vào tối ngày 20-8 với thời lượng khoảng 120 phút do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre phối hợp với Công ty Truyền thông Cát trắng thực hiện.
Nội dung chương trình bên cạnh ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Nữ tướng tài ba Nguyễn Thị Định, còn tái hiện sự tàn khốc của chiến tranh mà nhân dân ta đã trải qua; tinh thần đoàn kết của quân- dân ta, khắc họa sự bất khuất, kiên trung, anh dũng, mưu trí của các chiến sĩ cách mạng; trong đó có hình ảnh của nữ tướng Nguyễn Thị Định.
Chương trình nghệ thuật tái hiện nhiều phân cảnh: Quê hương, tình yêu, khi chồng cô Ba Định bị giặc bắt. Mẹ con cô Ba Định thăm chồng tại phòng giam. Cô Ba Định gầy dựng phong trào cách mạng tại quê hương, cô Ba Định bị địch bắt. Ngày độc lập 2-9-1945. Cô Ba Định gặp Bác Hồ năm 1946, phong trào Đồng khởi 1960...
Tham gia vào chương trình có các nhà hát, đoàn nghệ thuật như: Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng múa TP. Hồ Chí Minh, Đoàn Nghệ thuật Cải lương Bến Tre, bà con nhân dân xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Bến Tre.
Nữ tướng Nguyễn Thị Định (còn gọi là cô Ba Định), sinh ngày 15-3-1920, tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm. Bà mất ngày 26-8-1992 (hưởng thọ 72 tuổi), tại TP. Hồ Chí Minh. Bà được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hòa bình Quốc tế Lê-Nin, Huân chương của các nước: Lào, Bungari, Cuba trao tặng; Huy hiệu Vì sự nghiệp giải phóng Phụ nữ. Nữ tướng Nguyễn Thị Định là người phụ nữ huyền thoại, tấm gương, là mẫu hình tiêu biểu của người phụ nữ Bến Tre (nói riêng) và phụ nữ Việt Nam (nói chung) đã thể hiện tình thần “ Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Về Chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh đặc biệt “Có phải người còn đó”, ông Nguyễn Văn Bàn, Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre cho biết thêm: "Qua làm việc với nhà văn, đạo diễn Nguyễn Quang Vinh, tạo chương trình nghệ thuật rất đặc biệt với mong muốn đưa vào tác phẩm nghệ thuật của mình một hình tượng hiếm có của cô Ba. Tựa đề “ có phải người còn đó” với mong muốn đưa vào thực cảnh ngay khu lưu niệm của cô Ba tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm với những phân khúc của các cảnh trí đưa vào đây là thực cảnh luôn, nó không phải sân khấu hóa mà là thực cảnh cho nên tái hiện được cuộc đời, những hoạt động của cô Ba tạo dấu ấn tương tác cho người xem”./.