Trong năm 2021, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa– Vũng Tàu liên tiếp tổ chức cưỡng chế hàng trăm công trình xây dựng trái phép, không phép tại 2 phường 11 và 12. Theo nhận định của chính quyền thành phố, nguyên nhân hàng trăm công trình không phép tồn tại thời gian dài là do địa phương tập trung mọi nguồn lực để chống dịch. Nhưng nghiêm trọng hơn là do có sự buông lỏng quản lý, tiếp tay của một số cán bộ đô thị phường đối với tình trạng xây dựng trái phép. Vấn đề này đã gây bức xúc dư luận, làm mất lòng tin của người dân vào chính quyền cơ sở.
Cán bộ buông lỏng, dân bất chấp
Đầu tháng 12 năm 2021, chính quyền TP Vũng Tàu phối hợp cùng các cơ quan chức năng tổ chức cưỡng chế 46 công trình xây dựng không phép, trái phép tại phường 11 và phường 12. Trước đó, đúng 1 năm, địa phương này cũng đã cưỡng chế 74 công trình xây dựng trái phép tại xã Long Sơn với các trường hợp vi phạm là các tổ chức, doanh nghiệp, nhà thầu thi công tại dự án hóa dầu Long Sơn.
Trước thực trạng trên, Thành ủy TP Vũng Tàu cũng đã ban hành Nghị quyết 03/2021, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu, các đảng viên trong việc giám sát, phát hiện và thông báo những sai phạm trong lĩnh vực đất đai, nếu cố tình bao che sẽ bị xử lý theo quy định.
TP Vũng Tàu đã cách chức 2 chủ tịch phường, điều chuyển 1 chủ tịch phường và 2 phó chủ tịch phường liên quan đến việc buông lỏng quản lý trên địa bàn, để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự đô thị. Bà Đoàn Thị Thu Giang, Bí thư Đảng uỷ phường 11, TP Vũng Tàu cho biết, Cơ quan điều tra cũng đã khởi tố 6 cán bộ, công chức phường vì có hành vi vi phạm, nhận tiền bảo kê để người dân xây dựng trái phép.
"Là người đứng đầu lãnh đạo của phường thì chúng tôi cũng nhận trách nhiệm quản lý. Quản lý chưa tốt dẫn đến liên đới khi để cho cán bộ nhân viên dưới quyền vi phạm pháp luật. Chúng tôi sẽ quyết tâm thực hiện tốt nhất nhiệm vụ quản lý địa bàn, để người dân hiểu được rằng việc vi phạm pháp luật thì không có chính quyền nào có thể bao che được, cán bộ nhân viên vi phạm pháp luật cũng sẽ bị xử lý theo quy định"- bà Đoàn Thị Thu Giang cho biết.
Cũng tại phường 11 và 12, trong năm 2021, lực lượng chức năng đã xử lý 468 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực đất đai, trong đó có 412 trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích và 56 trường hợp lấn chiếm đất, huỷ hoại đất. Ở cấp thành phố, chính quyền đã thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 3 trường hợp cố tình vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Ngọc Thanh Dũng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP Vũng Tàu cho biết, ngoài các nguyên nhân khách quan thì còn có nguyên nhân chủ quan là người dân có nhu cầu nhà ở cao, bất chấp xây dựng nhà trái phép, không phép.
"Do địa bàn TP Vũng Tàu đang phát triển cơ học về dân cư, các dự án triển khai chậm làm hạn chế quyền sử dụng đất của người dân, xảy ra tình trạng người dân có đất nhưng mà không được xây dựng. Bên cạnh đó, do nhu cầu về chỗ ở đã bất chấp và xây dựng nhà trái phép có thể thông qua đầu nậu, người bảo kê. Với vai trò là cơ quan quản lý đất đai chúng tôi đã tham mưu cho Thành phố chấn chỉnh, triển khai các văn bản quản lý kể cả đất nông nghiệp của dân và đất nhà nước quản lý"- ông Ngọc Thanh Dũng cho biết.
Xử lý để lấy lại niềm tin của dân
Theo UBND TP Vũng Tàu, thời gian này, lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện nhiều công trình xây dựng trái phép tại đường Chi Lăng, phường 12; đường Trần Phú, phường 5 và nhiều công trình tại phường 10, phường Rạch Dừa, phường Nguyễn An Ninh, xã Long Sơn…Chính quyền địa phương đã lập biên bản, yêu cầu người dân tháo dỡ nhưng không nhận được sự hợp tác.
Ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu cho biết, thành phố sẽ tiếp tục triển khai những đợt cưỡng chế tiếp theo với lộ trình phù hợp. Việc cưỡng chế nhằm đảm bảo nguyên tắc mọi vi phạm của công dân phải được xử lý nghiêm minh, bình đẳng trước pháp luật, lấy lại niềm tin của nhân dân.
"Hiện nay chúng tôi đang rà soát lại tất cả các trường hợp, phân nhóm từng trường vi phạm để tổ chức cưỡng chế trường hợp nào trước, trường hợp nào sau để đảm bảo quy định pháp luật. Còn những công trình nào vi phạm mà chưa lập biên bản thì lập biên bản, sau đó cưỡng chế tiếp. Như thế sẽ đảm bảo công bằng, khách quan chứ không có sự bao che ở đây"- ông Vũ Hồng Thuấn cho biết.
Thành uỷ Vũng Tàu cho biết, thời gian qua công tác xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng có lúc có nơi làm chưa đều tay, có thời điểm buông lỏng. Để làm quyết liệt hơn công tác này, trước mắt, Vũng Tàu kiện toàn đội ngũ làm công tác quản lý trật tự, đô thị và đất đai, nâng cao cách nhiệm và tâm huyết với công việc. Thành phố phát hiện cán bộ vi phạm đến đâu xử lý đến đó, tuyệt đối không bao che cán bộ vi phạm.
Ông Trần Ngọc Hà, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Vũng Tàu cho biết, về vấn đề quản lý trật tự xây dựng thì cả hệ thống chính trị vào cuộc, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết mọi hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự đô thị điều bị xử lý.
"Chúng tôi cho rằng, vấn đề cốt lõi là trước hết phải khôi phục lại niềm tin của nhân dân, để cho nhân dân hiểu rằng bất cứ công trình xây dựng không phép hay trái phép là vi phạm pháp luận, phải tháo dỡ. Khi người dân tin rằng bất cứ công trình xây dựng nào trái phép cũng bị chính quyền thực hiện quyết liệt tháo dỡ thì họ không bao giờ đầu tư xây dựng. Họ đầu tư xây dựng là họ còn niềm tin, còn tồn tại, đó là vấn đề cốt lõi"- ông Trần Ngọc Hà, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Vũng Tàu cho biết.
Cưỡng chế công trình xây dựng là điều mà cả chính quyền và người dân đều không mong muốn. Để lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn và lấy lại niềm tin trong nhân dân, Đảng bộ, chính quyền TP Vũng Tàu đã thể hiện rõ nguyên tắc lãnh, chỉ đạo của mình bằng việc kỷ luật người đứng đầu địa phương, chuyển hồ sơ quan điều tra đối với nhiều cán bộ đô thị. Thành phố Vũng Tàu xác định, tình trạng này tồn tại sẽ để lại những hậu quả xấu, trong tương lai quy hoạch kiến trúc đô thị bị phá vỡ và gây thiệt hại về tài sản của xã hội./.
Ảnh: