Như phóng viên VOV đã phản ánh về tình trạng người dân ở các xã Nam Sơn, Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội lại tiếp tục chặn xe chở rác vào Khu liên hiệp xử lý rác thải Nam Sơn gây ùn ứ rác thải tại các quận nội thành, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân. Điều đáng nói đây không phải lần đầu người dân Sóc Sơn chặn xe rác mà đã từ nhiều năm nay, cứ đến hẹn lại lên vào các tháng 1, 7, 12 là người dân lại tiến hành dựng chướng ngại vật để ngăn không cho xe chở rác vào khu xử lý. Vì sao người dân Sóc Sơn lại liên tục có những hành động như vậy? Tại sao thành phố không thể xử lý dứt điểm tình trạng này?
"Đến năm 2019 đã hứa là di dân ra khỏi vùng 500m ở Khu xử lý chất thải Nam Sơn. Có nghĩa là vòng 500m dân đề nghị là thu hồi toàn bộ. Nói đúng ra được nhất trí là thu hồi toàn bộ. Ngược lại cái giá bây giờ thì đúng là quá rẻ mạt". Đây là ý kiến của ông Nguyễn Văn Thọ, đội 20, xóm Phú Thịnh, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội mà chúng tôi ghi nhận từ tháng 7/2019 về việc vì sao người dân xã Nam Sơn lại dựng chướng ngại vật không cho xe vào Khu liên hiệp xử lý rác thải Nam Sơn.
Đến nay, mặc dù đã được 1 năm nhưng những yêu cầu của người dân vẫn chưa được xử lý. Và hậu quả là người dân tiếp tục ra đường dựng chướng ngại vật, ngăn không cho xe vào khu xử lý. Trả lời trên báo lao động bà Nguyễn Thị Huệ, người dân xã Nam Sơn cho biết, họ đã hứa là tháng 7/2019 là trả hết tiền giúp cho chúng tôi, đến tháng 12 là công trình được làm. Thế nhưng, đến giờ phút này vẫn chưa đâu vào đâu cả.
"Mùi hôi thối, ruồi muỗi nói chung là tất cả cuộc sống mà con cái chúng tôi, các cháu bé mới sinh ra đã phải chịu những mùi hôi thối. Chúng tôi chỉ yêu cầu cho chúng tôi di dời ra khỏi vùng ảnh hưởng" - bà Huệ nói.
Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (hay còn gọi là bãi rác Nam Sơn) nằm trên địa bàn 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ thuộc huyện Sóc Sơn, có quy mô hơn 157 ha chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 gồm 10 ô chôn lấp với diện tích trên 83 ha, hiện đã đầy. Giai đoạn 2, diện tích hơn 73 ha gồm 8 ô chôn lấp. Đây là bãi tập kết rác lớn nhất Hà Nội, hoạt động từ năm 1999, là địa điểm xử lý chính rác thải của 4 quận nội thành, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 4.000 tấn rác.
Do khối lượng rác phát sinh đang tăng theo cấp số nhân từng ngày nên bãi rác quá tải. Ngoài ra, rác không được xử lý gây ô nhiễm môi trường khiến cuộc sống của người dân xung quanh các bãi rác không thể chịu đựng trong khi việc đền bù, giải phóng mặt bằng di dời người dân ra khỏi khu vực ô nhiễm triển khai chậm nên người dân chỉ biết phản ứng bằng cách dựng chướng ngại vật không cho xe vào bãi rác.
"Phải đưa người dân rời khỏi bãi rác chúng tôi mới tin. Cứ nay hứa, mai hứa chúng tôi không còn tin ai được nữa. Nếu không cho chúng tôi rời đi thì đóng cửa bãi rác, trả lại môi trường xanh sạch đẹp cho chúng tôi" - bà Nguyễn Thị Cửu, một người dân xã Nam Sơn cho biết.
Trao đổi với phóng viên VOV về vấn đề: Vì sao người dân Sóc Sơn liên tục chặn xe chở rác? TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, bãi rác Nam Sơn ngày càng mở rộng, rác không được xử lý gây ô nhiễm môi trường là nguyên nhân chính khiến người dân dựng chướng ngại vật để ngăn cản xe chở rác. Ngoài ra, việc chậm di dời người dân tại khu vực bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm đi nơi khác triển khai chậm cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng này. Mặc dù vấn đề này đã được người dân xã Nam Sơn kiến nghị nhiều lần mà không được giải quyết cộng với việc bãi rác ngày càng mở rộng nên ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân.
"Dân ở đây sống ở gần bãi rác. Bãi rác ngày càng mở rộng ra. Chính quyền cũng đã hữa để di dời dân. Mấy năm nay người ta đã ý kiến về vấn đề này rồi. Ở gần bãi rác nên ruồi, ô nhiễm rất nhiều. Chính quyền cũng đã hứa di dời dân đến chỗ khác, dân cũng muốn di dời nhưng người ta ý kiến nhiều quá, hứa nhiều mà không được giải quyết nên người ta rất bức xúc"- TS Hoàng Dương Tùng cho biết.
Sự việc người dân tại huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội dùng chướng ngại vật ngăn chặn các xe chở rác không cho vào bãi rác không phải hiếm gặp. Trong thời gian qua rất nhiều địa phương như Hải Dương, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh,… người dân cũng sử dụng biện pháp này vì không chịu được tình trạng ô nhiễm do các bãi rác gây ra. Điều mà người dân cần là lời nói, lời hứa của chính quyền phải đi đôi với việc làm, đó là cơ sở rất quan trọng trong việc củng cố lòng tin của nhân dân. Ngoài ra, lựa chọn công nghệ phù hợp, giảm chôn lấp rác cũng là 1 hướng đi cần phải làm ngay trong thời điểm này, tránh tình trạng rác quá tải như hiện nay./.