Cho người giúp việc đi nghe tập huấn PCCC

Một cán bộ phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại Hà Nội cho biết, khi cán bộ PCCC phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền PCCC tại chung cư Mỹ Đình 1 (Từ Liêm, Hà Nội), người dân không hào hứng tham gia; có hộ cử người già, thậm chí người giúp việc đi nghe. Buổi đầu được 90 người tham gia, buổi kế tiếp còn 40 người, sang buổi thứ 3 chỉ còn hơn 10 người.

Vị cán bộ này chia sẻ, không chỉ người dân mà cả công nhân viên chức khi được đơn vị cử đi học lớp tập huấn nghiệp vụ PCCC, đa số nghe rất hời hợt, xem thường những buổi tập huấn, trong khi đó là những kỹ năng cơ bản giúp họ tự cứu mình, người thân, đồng nghiệp… nếu có cháy nổ xảy ra trước khi lực lượng cảnh sát PCCC đến.

tap_huan_pccc_da_sua_wadx.jpg
(Ảnh: minh họa)

Lý giải về việc mình thường không tham gia các lớp tập huấn PCCC tại chung cư, anh Quang Hùng (ở chung cư 129 Thiên Hiền, Mỹ Đình 1) nói: “Tôi thấy những buổi tập huấn PCCC nặng về lý thuyết và kiến thức thì dàn trải khiến người dân khó tiếp thu. Dạy cho người dân thì nên tập trung vào kỹ năng thoát hiểm và duy trì sự sống khi chung cư xảy ra cháy nổ.

Lý thuyết là một chuyện, nhưng quan trọng phải thực hành. Nên cho dân “sống” trong tình huống giả định chung cư bị cháy, để hướng dẫn họ sử dụng bình chữa cháy như thế nào, chống ngạt ra sao, chạy xuống cách nào… Nếu làm được như thế, những buổi tập huấn PCCC sẽ thu hút người dân tham gia hơn”.

Không đồng tình với ý kiến anh Hùng, anh Lê Mạnh (Chung cư Berriver Long Biên, Hà Nội) bày tỏ “Không thể lấy lý do những buổi tập huấn PCCC khô khan mà không đi học. Khi mình thấy đó là vấn đề cấp thiết và thực sự quan tâm đến nó thì sẽ thấy nội dung hấp dẫn. Nếu tham gia lớp tập huấn một cách có ý thức thì sau những buổi tập huấn không lĩnh hội được hết những nội dung đưa ra thì ít nhất cũng có những kiến thức nền tảng để không bị bối rối, hoảng loạn khi có sự cố xảy ra. Hãy tham gia đầy đủ các lớp tập huấn PCCC nếu bạn thực sự coi trọng tính mạng của mình và người thân”.

Hãy tự cứu mình trước

Trong các vụ hỏa hoạn xảy ra ở các khu chung cư cao tầng, đa số trường hợp tử vong là do bị ngạt khói chứ không phải bị thiêu cháy. Vụ cháy xảy ra ở chung cư Carina Plaza (phường 16, quận 8, TP.HCM) vào ngày 23/3 mới đây có ít nhất 13 người thiệt mạng thì hầu hết đều do bị ngạt khói hay do hoảng loạn nhảy từ trên tầng cao xuống.

Tại vụ cháy này có thể thấy hầu hết người dân không tự trang bị mặt nạ chống khói, một dụng cụ cực kỳ cần thiết và dễ sử dụng để phòng chống khói độc khi xảy ra cháy nổ.

Chị Đỗ Thủy, ở chung cư Euro Window  (27 Trần Duy Hưng, Hà Nội) chia sẻ: Ngoài việc cung cấp cho các thành viên trong gia đình những kỹ năng cần thiết để thoát thân hay duy trì sự sống để đợi cứu trợ, từ khi về ở khu chung cư, gia đình chị tự trang bị bình xịt chữa cháy nhỏ gọn, không cần bảo dưỡng, không nén, dễ dùng. Ngoài ra, các thành viên trong gia đình đều được trang bị mặt nạ chống khói 2 lớp sử dụng hiệu quả trong 60 phút.

"Gia đình tôi còn mua dây thoát hiểm và gắn thiết bị báo khói ngay cửa ra vào để nếu có khói từ hành lang tràn vào thì nó báo ngay đề phòng hệ thống cảnh báo của tòa nhà không hoạt động hoặc có hoạt động mà ở xa mình không nghe thấy. Hiện không ít người chủ quan hoặc tiếc tiền mua những vật dụng có thể cứu sống gia đình mình”- chị Đỗ Thủy nói.

Chung cư Carina Plaza (TPHCM) bốc cháy.

Theo khuyến cáo của lực lượng Cảnh sát PCCC và Cứu hộ cứu nạn, khi mua nhà chung cư, người dân nên tự trang bị các dụng cụ như: mặt nạ phòng độc, bình cứu hỏa mini, chăn chống cháy, dây thoát hiểm, thang dây… Khi xảy ra cháy chung cư cần lập tức bấm chuông báo động tòa nhà để thông báo cho mọi người biết và gọi số 114 cho lực lượng cảnh sát PCCC.

Đặc biệt không được đi cầu thang máy mà phải tìm lối thoát nạn theo đèn, hoặc thông báo chỉ dẫn. Nếu phải băng qua lửa, khói, dùng mặt nạ phòng độc, chăn, áo, khăn nhúng ướt rồi trùm lên đầu và mặt. Khi di chuyển cần cúi khom và men theo tường, khi mở cửa, cần kiểm tra nhiệt độ cánh cửa, tránh để lửa tạt vào người. Nếu nhiệt độ quá cao, cư dân cần tìm lối thoát khác.

Trong trường hợp không có lối thoát, người dân cần nhanh chóng chạy ra ban công hoặc cửa sổ để ra hiệu gọi cho lực lượng PCCC, cứu hộ. Bên cạnh đó, có thể dùng thang dây để leo xuống đất. Không được nhảy từ tầng quá cao xuống đất nếu không có sự hướng dẫn của lực lượng cứu hộ./.