Ngoài tích cực vận động Quỹ đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình thương, hỗ trợ sinh kế, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng,... các cấp ban, ngành, đoàn thể thường xuyên thăm hỏi, động viên vật chất và tinh thần. Qua đó, đã phần nào xoa dịu nỗi đau chiến tranh và giúp các gia đình chính sách, người có công có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tuy ở cách xa trục lộ lớn, sâu hút trong cánh đồng dừa và lúa, nhưng những ngày này gia đình ông Trần Văn Tấn và bà Huỳnh Thị Mi ở xã Song Lộc, huyện Châu Thành đầy ắp niềm vui. Vui vì năm nay gia đình được địa phương xét hỗ trợ 50 triệu đồng, cộng với số tiền tích lũy được, gia đình ông đã cất được căn nhà mới. Đặc biệt căn nhà hoàn thành đúng dịp kỷ niệm ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7.

Ông Trần Văn Tấn chia sẻ: "Ở khu vực Láng Khoét này có rất đông hộ có công với cách mạng và tất cả đã xây được căn nhà kiên cố và có đời sống ổn định: “Hộ tôi là gia đình liệt sĩ. Trước kia cuộc sống cũng khó khăn lắm. Cũng bươn chải hết nghề lúa rồi tới dừa, tích lũy dần mới quyết định cất nhà. Và Nhà nước hỗ trợ được 50 triệu đồng. Ở đây các gia đình người có công đều được nhà nước hỗ trợ. Các anh vợ của tôi đều nhận được chính sách hỗ trợ 50 triệu đồng. Tôi cám ơn nhiều lắm”.

Còn bà Từ Thị Định-người cùng địa phương với ông Trần Văn Tấn, năm nay đã ngoài 70, khi có đoàn đến thăm gia đình dịp kỷ niệm 27/7, bà không dấu được xúc động. Bà Từ cho biết, ở nơi bưng biền này ngày xưa chỉ là cánh đồng trống, giặc thường xuyên đổ quân lùng sục, khó khăn lắm. Nhưng những năm gần đây, khi xã triển khai xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn hoàn toàn đổi thay, ai cũng cất được nhà tường, con cái đều được học hành. Có đoàn cán bộ đến thăm hỏi, chúc sức khỏe, gia đình mừng lắm.

“Nơi đây hồi chiến tranh không có một ngôi nhà, hoàn toàn trống. Trực thăng nó đổ quân, mấy ổng có về nhà là lết không. Rất là khổ. Chồng đi làm cách mạng tôi vừa nuôi cán bộ, vừa làm ruộng, rồi bản thân cũng đi làm du kích. Bây giờ rất là thoải mái, lộ, điện, nước đều có. Nhà nào cũng xây được nhà tường không còn như xưa nữa”- bà Định nói.

Những năm qua, không chỉ quan tâm hỗ trợ xây dựng nhà ở, đẩy mạnh các hoạt động ý nghĩa như ủng hộ Quỹ đền ơn đáp nghĩa các cấp, nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và đỡ đầu con liệt sỹ, con thương binh, bệnh binh nặng …Trà Vinh còn ưu tiên hỗ trợ vốn, cây con giống, kỹ thuật để người có công phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Theo đó, đến nay Trà Vinh không chỉ cơ bản xóa được nhà tạm bợ trong đối tượng người có công, mà 100% số hộ người có công trên địa bàn đều có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cư dân nơi cư trú. Điển hình như ở xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, tuy tỷ lệ hộ nghèo của xã còn hơn 5,3%, nhưng tất cả 434 hộ người có công đều thuộc diện trung bình trở lên.

Ông Thạch Siêng, bản thân tham gia cách mạng từ năm 1971, và có người cha và người anh đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, sau giải phóng gia đình rất khó khăn nhưng nhờ Đảng, Nhà nước có chính sách hỗ trợ kịp thời, trong khi địa phương luôn ưu tiên hỗ trợ gia đình ông nâng cao đời sống. Ông Thạch Siêng cho biết: “ Tôi tham gia cách mạng, cha và anh của tôi cũng tham gia cách mạnh và họ đã hy sinh. Thuộc diện chính sách nên tôi được hỗ trợ 50 triệu để cất nhà. Không chỉ gia đình tôi, các hộ có công ở đây đều được nhà nước hỗ trợ. Ít hay nhiều tùy hộ nhưng tất cả đều được hưởng chính sách, ai cũng khấm khá”.

Trà Vinh, hiện có hơn 64.000 người có công và thân nhân người có công với cách mạng. Trong đó, có 19.624 liệt sĩ, 9.811 thương binh, bệnh binh và 3.370 mẹ Việt Nam anh hùng. Theo sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh, đến nay 100% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống tại địa bàn cư trú, không có hộ gia đình chính sách nào còn thuộc diện hộ nghèo. Riêng 102 mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng cho đến cuối đời.

Giám đốc sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh Nguyễn Văn Út cho biết thêm: “Trong thời gian tới tiếp tục phối hợp với địa phương rà soát những trường hợp còn soát về nhà ở trong người có công, để tiếp tục vận động hỗ trợ. Và tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp Quỹ đền ơn đáp nghĩa, trợ cấp khó khăn cho gia đình chính sách; từng bước thực hiện tốt công tác chăm lo cho người có công. Đồng thời giải quyết tốt các chính sách như trợ cấp hàng tháng, tạo các điều kiện khác, để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người có công với cách mạng”.

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng những việc làm thiết thực của các cấp, các ngành trong tỉnh đã góp phần nâng cao đời sống các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Qua đó, đã tạo được niềm tin của người có công nói riêng và nhân dân trong tỉnh nói chung về chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh./.