Trong những ngày này, tại nhiều chùa ở Hà Nội đều đồng loạt tổ chức các hoạt động chào mừng ngày Phật đản (15/4 âm lịch) trang trọng và thành kính.

Trước năm 1959, các nước Đông Á thường tổ chức ngày lễ Phật đản vào ngày 8/4 âm lịch. Nhưng Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên, tại Colombo (Tích Lan), 25/5 – 8/6/1950, 26 nước là thành viên thống nhất ngày Phật đản quốc tế là ngày rằm tháng Tư âm lịch (15/4).

Tuy nhiên, tùy vào mỗi chùa, đất nước, phong tục tập quán mà lễ Phật đản được tổ chức vào các ngày khác nhau kéo dài từ 8 – 15/4 âm lịch. Ngày Phật đản còn là một trong ba ngày lễ lớn trong năm của đạo Phật (Phật đản, Vu lan, Thành đạo).

Gột rửa nội tâm, hướng tới Phật tính

Khác nhau về thời gian, cách tổ chức nhưng tất cả đều chung một mục đích là kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời. Như một dịp để mọi người hướng về cuộc đời và những điều của Đức Phật răn dạy “các con” của Ngài phải sống thế nào.

Thầy Thích Quảng Đức – chùa Pháp Vân, Hà Nội cho biết, tuy vào điều kiện mỗi chùa khác nhau mà có các cách thức tổ chức khác nhau. Nhưng điều quan trọng là phải giúp các phật tử tới lễ chùa hiểu được ý nghĩa của ngày Phật đản và qua đó răn dạy con người nên làm những gì.

phat-dan-2.jpg

Đoàn xe hoa mừng ngày Phật đản

Theo Thầy Thích Quảng Đức, nghi thức quan trọng và mang nhiều ý nghĩa nhất trong ngày Phật đản chính là nghi thức tắm Phật. Ý nghĩa của việc tắm Phật là mượn hình ảnh đó để gột rửa nội tâm của mỗi người.

Mỗi người đều có một chân tâm hay còn gọi là “Phật tính”, nhưng bị ba điều “tham, sân, si” che lấp nên không hiển lộ ra ngoài. Chính vì vậy, khi ta đứng trước Đức Phật như đối diện với chân tâm của mình.

“Khi múc gáo nước đầu tiên tắm cho Đức Phật chúng ta tâm nguyện: dù trên đời có gặp thuận cảnh, vừa lòng... thì ta vẫn bình tĩnh thản nhiên. Khi múc gáo nước thứ 2, ta lại tâm nguyện: dù trên đời gặp nghịch cảnh, không vừa lòng... ta vẫn bình tĩnh thản nhiên. Đây mới là ý nghĩa sâu xa của nghi lễ tắm Phật” – Thầy Thích Quảng Đức chia sẻ.

Cùng với việc trang hoàng và treo các băng-rôn khẩu hiệu “Mừng ngày Phật đản” ngoài đường phố cũng như trong chùa. Trong dịp này, tại các chùa Bồ Đề, Tảo Sách, Trấn Quốc... cũng đã có nhiều hoạt động ý nghĩa kỉ niệm ngày lễ Phật đản: rước xe hoa, lập đàn cầu bình an...

Trụ trì chùa Bồ Đề - sư thầy Thích Đàm Lan cho biết, trong những ngày này chùa Bồ Đề cũng đã tổ chức chương trình ngày Đức Phật sinh với nhiều hoạt động trong 2 ngày 7 – 8/4 âm lịch như: tắm Phật, cầu bình an cho đất nước và dân chúng, thả chim phóng sinh...

Bên cạnh đó, điều quan trọng và mang nhiều ý nghĩa nhất là chùa tổ chức tặng quà cho các cụ già không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, người nhiễm HIV... “Đây cũng như lời báo công của chúng tôi- những “người con”  lên Đức Phật nhân dịp Phật đản” – Thầy Thích Đàm Lan chia sẻ.

Bên cạnh đó, nhà chùa cũng chuẩn bị rất nhiều đồ lễ, hoa, quả, oản, chuối... để kính dâng lên Đức Phật và sau đó là phát lộc cho các phật tử về lễ chùa.

Không những vậy, chùa Bồ Đề còn kêu gọi những phật tử ăn chay trong dịp lễ Phật đản để mang lại sự thanh tịnh.

Trong dịp này, các phật tử và người dân cũng tới chùa lễ rất đông. Họ đi lễ để cầu mong sự bình an, hạnh phúc, sức khỏe... với tấm lòng thành kính trước Đức Phật.

Phật tại tâm

Ông Phạm Tất Thắng, 70 tuổi, tổ 19, phường Bồ Đề (Long Biên – Hà Nội) cho biết, Ông thường đi lễ vào các dịp ngày rằm, mùng 1, lễ Vu Lan, Phật đản... để cầu mong sức khỏe, bình an cho tuổi già chứ không mong gì hơn. Đối với ông, việc đi lễ chùa cốt là ở tâm của mình.

Các phật tử thành tâm cầu nguyện tại chùa Bồ Đề

“Thứ nhất tu tại gia, thứ nhì tu chợ và thứ ba tu chùa” nên quan trọng là trong tâm mình có Phật thì sẽ luôn được “Ngài” phù hộ. Trong ngày Phật đản cũng vậy, nếu có thời gian thì mọi người nên đi lễ chùa để tìm sự bình yên và thanh thản. Còn bận công việc thì ta cũng có thể thắp hương tại nhà và cầu nguyện cũng tốt” – Ông Thắng chia sẻ.

Còn đối với bà Nguyễn Thị Hồng, phố Vọng, Hà Nội việc đi lễ chùa là rất tốt nhưng “quan trọng là chúng ta phải làm theo những điều Đức Phật răn dạy”. Cũng vì vậy mà bà luôn dạy các con, cháu trong nhà phải luôn làm những điều thiện, việc có ý nghĩa... không được làm điều ác vì “gieo nhân nào thì gặp quả đấy”.

“Tại gia đình, chúng tôi cũng thờ phật nên ngày Phật đản cả nhà lại chuẩn bị hương hoa, vật phẩm chay để dâng lên Đức Phật sau khi tắm cho Ngài” - bà Hồng cho biết.

Không chỉ có người lớn tuổi mới quan tâm tới lễ Phật đản mà nhiều bạn trẻ cũng tìm tới cửa chùa trong dịp này.

Chị Nguyễn Thị Lan, 26 tuổi, Hàng Đường, Hà Nội cho biết, ngày nay việc đi lễ chùa không chỉ có các ngày lễ, tết mà ngay cả ngày thường nhiều người cũng tìm đến cửa chùa. Họ đến chùa để cầu nguyện cho gia đình, bản thân.

Đối với chị cũng vậy. Chị đi lễ để cầu nguyện sự may mắn, hạnh phúc và sức khỏe cho gia đình. Nguyện cầu và hy vọng mọi việc sẽ diễn ra tốt đẹp trong bình an hạnh phúc.

“Dịp Phật đản, tôi thấy nghi lễ tắm Phật là mang nhiều ý nghĩa nhất. Qua hành động tắm Phật, mà bản thân tôi cũng cảm thấy như chính bản thân đang được tắm gội để trôi đi những sự “mê muội” và đưa con người tới với sự trong sáng, tươi đẹp” – Chị Lan chia sẻ.

Lễ Phật đản là một nét văn hóa đặc sắc của những đất nước theo đạo phật. Lễ Phật đản không chỉ thể hiện ở những điều mang ý nghĩa vật chất như dâng mâm cao, cỗ đầy...; mà quan trọng hơn là cái tâm của mỗi người biết hướng đến điều thiện, làm nhiều điều phúc hơn./.