Trường chuyên Trần Phú được cả nước biết đến về chất lượng giáo dục, với những con số ấn tượng về tỷ lệ học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Việc lựa chọn Hiệu trưởng cho ngôi trường này đương nhiên phải được cân nhắc kỹ càng, nhất là khi Hiệu trưởng Bùi Văn Phú đã đương nhiệm 12 năm nay. Thế nhưng, khi quyết định chưa được ban ra, đã râm ran dư luận nhằm vào người sắp ngồi vào “ghế nóng” - nữ tiến sĩ hiệu trưởng THPT đầu tiên của Hải Phòng, cô giáo Đỗ Thị Hòa.

tran-phu-3.jpg
Trường chuyên Trần Phú- ngôi trường uy tín bậc nhất TP Hải Phòng

Lý do thay Hiệu trưởng Trường chuyên Trần Phú?

Cùng với nhiều tờ báo khác, phóng viên VOV đã nêu câu hỏi với ông Đỗ Thế Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng.

Ông Đỗ Thế Hùng, người từng có 10 năm làm Phó Hiệu trưởng và 5 năm làm Hiệu trưởng Trường Trần Phú, cho biết: Theo qui định của Bộ GD&ĐT, điều lệ của trường THPT, một Hiệu trưởng không được giữ vị trí công tác quá 2 nhiệm kỳ. Bản thân thầy Bùi Văn Phú là người duy nhất làm Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú tới 12 năm. Việc thầy Phú được kéo dài thêm 1 năm khi đã hết 2 nhiệm kỳ là vì lý do để hoàn chỉnh giai đoạn 1 xây dựng Trường chuyên Trần Phú mới. Vì vậy, việc điều chuyển và bổ nhiệm thầy Phú làm Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên vào ngày 10/5/2013 là hoàn toàn đúng với qui định của Bộ GD&ĐT và công tác cán bộ của Đảng.

Về việc lựa chọn Hiệu trưởng Trường Trần Phú mới, ông Hùng cho biết: Tập thể Thường trực Đảng ủy cùng tập thể Ban Giám đốc Sở đã chuẩn bị nhân sự từ lúc thầy Phú sắp hết hai nhiệm kỳ, đã tiến hành đầy đủ quy trình để chọn người thay thế. Trường chuyên Trần Phú là một trong những trường THPT chuyên có thành tích nổi trội so với toàn quốc, là đơn vị Anh hùng trong thời kỳ đổi mới, vì vậy việc chọn Hiệu trưởng được triển khai hết sức cẩn trọng, phải được thông qua Ban cán sự Đảng thành phố. Ngoài việc báo cáo Phó Chủ tịch phụ trách văn hóa xã hội, lãnh đạo Sở còn trực tiếp báo cáo Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBNDTP Hải Phòng. Căn cứ vào trình độ, năng lực và thành tích cá nhân, Thường trực Đảng ủy và Ban Giám đốc Sở đã đề cử 5 trường hợp là 2 cán bộ lãnh đạo Sở và 3 Hiệu trưởng của 3 trường. Hồ sơ của 5 “đề cử viên” được Thường vụ Đảng ủy và Lãnh đạo Sở cân nhắc, xem xét. Cuối cùng đã thống nhất lựa chọn Hiệu trưởng Đỗ Thị Hòa ở Trường THPT Kiến An giữ chức Hiệu trưởng Trường Trần Phú. Toàn bộ quy trình lựa chọn, danh sách 5 “đề cử viên” đều được báo cáo Lãnh đạo TP. Ban cán sự Đảng UBNDTP Hải Phòng đã thống nhất lựa chọn Hiệu trưởng Đỗ Thị Hòa làm Hiệu trưởng Trường Trần Phú, giao cho Giám đốc Sở Nội vụ đồng thuận với Giám đốc Sở GD&ĐT để ký quyết định.

Theo tìm hiểu của VOV, Hiệu trưởng Đỗ Thị Hòa là 1 trong 2 Hiệu trưởng THPT có học vị Tiến sĩ và là Hiệu trưởng THPT có học vị Tiến sĩ đầu tiên của Hải Phòng, từng đạt nhiều danh hiệu và có nhiều bằng khen của Thành phố, Bộ GD&ĐT, Thủ tướng Chính phủ, đã được tín nhiệm ứng cử ĐBQH khóa XIII của TP. Hải Phòng.

 “Nóng đỏ” đơn thư, dư luận và vi phạmNgày 10/5/2013, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng ký 2 Quyết định luân chuyển và bổ nhiệm cô Đỗ Thị Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT Kiến An giữ chức Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú; ông Bùi Văn Phú, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Phú giữ chức Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hải Phòng.

Trước đó hơn 1 tháng, liên tiếp trong các ngày đầu tháng 4, xuất hiện nhiều lá đơn được gửi đi nhiều nơi.

Chứng từ 28 triệu đồng có dấu hiệu phạm pháp

Đầu tiên, ngày 2/4, từ Trường chuyên Trần Phú, một văn bản được gửi vượt cấp lên Bí thư Thành ủy Hải Phòng, đóng đủ 3 con dấu Đảng ủy, Ban Giám hiệu và Công đoàn Nhà trường với chữ ký “thay mặt” 3 cơ quan, tổ chức trên của Phó Bí thư Đảng ủy Nguyễn Thị Son, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thúy Nga và Chủ tịch Công đoàn Doãn Kim Chung. Nội dung: “Thay mặt toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Trần Phú” ba người “đại diện” đề nghị Bí thư Thành ủy Hải Phòng giữ ông Bùi Văn Phú tiếp tục làm Hiệu trưởng Nhà trường vì thành tích đóng góp của ông Phú, cùng vài lý do khác. Sau này, 3 người ký tên đóng dấu trong công văn trên đã nhận ra sai sót của mình.

Ba ngày sau (5/4), một lá đơn có “đích đến” là Sở Nội vụ Hải Phòng. Lá đơn này cũng  nhân danh “Đại diện toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường THPT chuyên Trần Phú” với nội dung phần đầu không đồng tình với việc điều chuyển Hiệu trưởng Bùi Văn Phú giống gần y chang văn bản của 3 cán bộ lãnh đạo Trường Trần Phú gửi Bí thư Thành ủy Hải Phòng kể trên; nhưng phần 2 thì tố cáo đích danh cô Đỗ Thị Hòa với “sai phạm nghiêm trọng” cách đây... 8 năm, là năm 2005 đã sửa điểm cho học sinh Đỗ Thái Mỹ để giúp em này được chuyển trường (từ Trường THPT Bán công về Trường THPT Ngô Quyền). Gửi kèm đơn là chứng cứ: Phiếu điểm (photo) của học sinh Đỗ Thái Mỹ và một bài báo phản ánh chuyện này từ năm 2007. Tuy nhiên, lá đơn “đại diện cho toàn thể nhà trường” lại chỉ có một chữ ký của thầy Dương Quang Thọ, Giáo viên Vật lý Trường THPT chuyên Trần Phú. Sau này, chính thầy Thọ đã nhận ra sai lầm và có đơn đề nghị xin rút lại lá đơn không phải do mình viết. Ai viết, và sự thật vụ học sinh Đỗ Thái Mỹ thế nào, chúng tôi sẽ nói sau.

Hơn 20 ngày sau (28/4), trên một tờ báo xuất hiện bài báo cũng có nội dung phản ánh sự không đồng tình với việc điều chuyển ông Phú và phê phán cô Đỗ Thị Hòa về vụ việc liên quan đến học sinh Đỗ Thái Mỹ, kèm theo bài báo là ảnh Phiếu điểm (photo) của Đỗ Thái Mỹ giống Phiếu điểm (photo) được gửi kèm đơn ai đó thảo sẵn rồi đưa cho thầy Thọ ký.

Ngày 8/5/2013, một lá đơn có nội dung giống đơn có chữ ký của thầy Dương Quang Thọ được phát ra và gửi tới Thường trực Thành ủy Hải Phòng. Người đứng đơn là ông Quách Văn Bình, Trưởng ban Đại diện Cha mẹ học sinh Trường THPT Trần Phú. Sau này, làm việc với phóng viên VOV, ông Bình cho biết, lá đơn đó được người khác thảo sẵn đơn rồi đưa cho ông ký. Cũng giống như thầy Thọ, ngay sau khi gửi đơn ông đã băn khoăn. Sau khi tìm hiểu, ông nhận ra ngay là ông bị lừa dối, bị cuốn vào trò “đấu đá, bôi nhọ, bới thối nhau” vì mục đích cá nhân. Vì thế, ông Bình đã trực tiếp lên Thành ủy Hải Phòng chính thức rút lá đơn có nội dung xấu xa mà người khác soạn sẵn cho ông ký.

Với những diễn biến kể trên, có thể thấy “ghế” Hiệu trưởng Trường chuyên Trần Phú quả là “nóng”. Tuy nhiên, “Bất hợp tác với điều xấu cũng là nghĩa vụ như hợp tác với điều tốt” (Mahatma Gandhi), những người ký đơn đều đã nhận ra sai lầm của mình và kịp thời sửa sai, không ngại nói ra sự thật.

Đáng tiếc là mọi việc đã không dừng lại mà tiếp tục “nóng” ở Trường THPT Kiến An, nơi cô Đỗ Thị Hòa làm Hiệu trưởng. Tại đây, bỗng xuất hiện nhiều “sự lạ”.

Một là, có một người đàn ông mặc áo bộ đội, xưng là “phụ huynh” đến xin photo học bạ của 2 học sinh. Phát hiện vị “phụ huynh” này không nhớ rõ họ tên học sinh, cán bộ văn thư nhà trường đã kiên quyết từ chối, khiến “phụ huynh” phải gọi điện thoại cho ai đó. Rồi cô Nguyễn Thị Là, Phó Hiệu trưởng nhà trường (em dâu ông Bùi Văn Phú) bỗng xuất hiện, và dù văn thư nhà trường đề nghị phải cho học sinh và cô giáo chủ nhiệm xuống nhận diện, nhưng cô Là không đồng ý, vẫn yêu cầu phải photo đóng dấu giáp lai 2 quyển học bạ cho “phụ huynh”. Sau này, gia đình phụ huynh thật đã có đơn khiếu nại việc này.

Hai là, cũng Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Là, bỗng nhiên gặp kế toán và “mượn” cho bằng được chứng từ 28 triệu đồng chi cho cán bộ quân đội dạy môn GDQPAN rồi không trả lại dù kế toán đã 3 lần đòi, sau đó, chứng từ này được đưa ra ngoài để công chứng...

Ba là, cũng cô Nguyễn Thị Là, dù không có chức năng, nhiệm vụ, đã tự ý âm thầm đến một số lớp phát phiếu điều tra một số em học sinh về việc học môn GDQPAN. Việc làm của cô Là, dù là Phó Hiệu trưởng, sau đó đã bị chính các em học sinh tố giác và phủ nhận kết quả điều tra không chính danh (sẽ nói cụ thể ở phần sau của loạt phóng sự điều tra này)...

Cùng với những hành vi “bất thường” của Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Là, trên công luận, xuất hiện một số bài báo với thông tin “rúng động ngành giáo dục Hải Phòng”: Trường THPT Kiến An không tổ chức dạy môn GDQPAN nhưng các thầy cô vẫn cho điểm khống môn học này, vẫn thu thêm khoảng gần 130 triệu đồng/năm để… chia nhau. Một chứng từ được Hiệu trưởng Đỗ Thị Hòa duyệt chi 28 triệu đồng cho 4 “giáo viên” là cán bộ Ban chỉ huy quân sự quận Kiến An đã được phát hiện là làm giả. Và, với “những thành tích đó” Hiệu trưởng Đỗ Thị Hòa lại được tín nhiệm điều về làm Hiệu trưởng Trường Trần Phú -  một cái nôi đào tạo nhân tài của Hải Phòng. Dĩ nhiên, những thông tin trên đã gây xôn xao dư luận, đặc biệt là phụ huynh, học sinh và thầy cô giáo ở Hải Phòng trước kỳ thi tuyển sinh năm học mới

Đến đây, “Ghế nóng” Hiệu trưởng Trường Trần Phú đã “tỏa nhiệt” tới mức buộc Sở GD&ĐT Hải Phòng phải ra Quyết định thành lập một Tổ Công tác để xác minh thông tin. Trực tiếp chỉ đạo Tổ Công tác là Phó Giám đốc, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Xuân Trường.

Kết luận của Sở GD&ĐT Hải Phòng được ban hành ngày 4/7/2013, có nội dung như phần đầu phóng sự điều tra này đã phản ánh: Không có tình trạng không dạy và cho điểm khống môn GDQPAN; số tiền 127 triệu đồng thu theo Nghị quyết của Hội Cha mẹ học sinh, không phải là chủ trương của Nhà trường, không có chuyện thầy cô chia nhau, mà được quản lý chặt chẽ. Đáng quan tâm nhất là nội dung Sở GD&ĐT Hải Phòng kết luận: Bộ chứng từ chi 28 triệu đồng là có và không hợp lệ, người phải chịu trách nhiệm là Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Là.

Thực tế, với nội dung khẳng định trong văn bản kết luận của Sở GD&ĐT Hải Phòng, bộ chứng từ 28 triệu đồng không những không hợp lệ mà đã có dấu hiệu của hành vi phạm pháp hình sự, và với những hậu quả đã gây ra, cần thiết phải chuyển cơ quan cảnh sát điều tra xem xét, giải quyết theo pháp luật./.

Kỳ 3: Hiệu trưởng Bùi Văn Phú và những lá đơn thảo sẵn.