Trong khuôn khổ hợp tác sáng kiến về phòng chống tham nhũng khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sáng 23/10, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức phiên tham vấn mở rộng với chủ đề “Vai trò của xã hội trong phòng, chống tham nhũng”.

Để phát huy vai trò của xã hội trong việc phòng chống tham nhũng các đại biểu cho rằng, cần nâng cao năng lực của mỗi tổ chức thành viên, thực hiện phối hợp có hiệu quả giữa các tổ chức với nhau và với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Muốn vậy phải phải xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, đảm bảo và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Các cơ quan có trách nhiệm phải giải trình, bảo đảm tính minh bạch, sự tham gia rộng rãi của nhân dân trong quá trình xây dựng trước khi ban hành các văn bản. Mặt khác, phải bảo vệ người đã phát hiện những sai trái của cán bộ, công chức.Ông Nguyễn Văn Các, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng: “Đấu tranh phòng chống tham nhũng muốn đạt kết quả toàn diện thì phải dựa vào dân, phát huy vai trò của các đoàn thể nhân dân. Đồng thời phải có cơ chế pháp lý bảo đảm cho người tố cáo, người phát hiện tham nhũng không bị trù dập, trả thù. Ví dụ, khi một cán bộ công chức bị tố cáo tham nhũng, nếu phát hiện tham nhũng thì tùy mức độ nghiêm trọng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải áp dụng ngay các biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố cáo và đảm bảo cho việc điều tra không bị cản trở”.

Các đại biểu nêu ra nhiều sáng kiến trong công tác phòng chống tham nhũng như như kiểm soát thu nhập của xã hội, của cán bộ công chức; tăng cường mối quan hệ giữa khu vực tư và khu vực công, tăng cường sự giám sát của người dân, báo chí; nâng cao nhận thức cho người dân để người dân hiểu được quyền của mình khi tiếp cận dịch vụ công; các quy định trong chính sách kinh doanh phải rõ ràng và có những kênh cung cấp thông tin một cách minh bạch, công bằng cho các doanh nghiệp./.