Tổ chức Y tế thế giới mới đây đã phát đi cảnh báo về việc khẩu trang y tế cũng như các thiết bị bảo hộ khác trên toàn thế giới đang cạn kiệt, không chỉ do sự gia tăng nhu cầu đột biến, mà còn do tích trữ và sử dụng sai mục đích.

Tại Việt Nam, tuy chưa có đơn vị nào chính thức lên tiếng về việc thiếu vật tư y tế phòng chống dịch bệnh nhưng nguy cơ khan hiếm đang hiện hữu khi dịch Covid-19 đang có nguy cơ lây lan ở nhiều nơi.

vov_9_hxbm.jpg
Ảnh minh họa

Từ khi có người nhiễm Covid-19 được phát hiện tại phố Trúc Bạch, phòng y tế quận Ba Đình, Hà Nội đã liên hệ với nhiều nơi nhưng không dễ dàng mua được khẩu trang y tế để phục vụ công tác chống dịch. Đúng lúc này, với tinh thần hướng về vùng dịch, sáng 9/3, Công ty cổ phần dược phẩm và thiết bị y tế An Phú (Hà Nội) đã trao tặng cho Ủy ban nhân dân quận Ba Đình 5.000 chiếc khẩu trang y tế.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, đại diện Công ty An Phú cho biết, mỗi ngày công ty sản xuất được từ 20.000 đến 25.000 chiếc khẩu trang y tế nên dành ưu tiên cho bệnh viện và vùng dịch bệnh.  

“Chúng tôi đã động viên công nhân tăng năng suất lao động nhưng công suất của nhà máy cũng có hạn, trong khi nhu cầu tăng cao nên chúng tôi chủ yếu tập trung cho những đơn hàng đã kí kết với các bệnh viện…”, ông Cường nói.

Cũng tại Hà Nội, ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố cho biết, thời gian gần đây đã thu giữ được hơn 830.000 chiếc khẩu trang y tế của những cá nhân vi phạm về găm hàng, tăng giá bán. Qua đó, đang kiểm định lại chất lượng để cung cấp cho Sở Y tế phục vụ công tác chống dịch.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có nguy cơ lây lan diện rộng trên địa bàn Thủ đô, Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương đã tính đến phương án phát kèm khẩu trang vải cho nhân viên y tế sử dụng.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Huy, Phó Phòng kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương cho biết: “Từ trước đến nay, bệnh viện không thiếu khẩu trang y tế, nhưng trước tình hình này, khẩu trang y tế có thể sẽ khan hiếm nên chúng tôi phát kèm khẩu trang vải cho những nhân viên hành chính không tiếp xúc với bệnh nhân để ưu tiên cho những người ở vị trí khám chữa bệnh, tiếp xúc gần với bệnh nhân và nguồn lây… ”.

Theo các chuyên gia y tế, nếu so sánh giữa hai việc sử dụng khẩu trang y tế với việc rửa tay thì hiệu quả phòng bệnh của rửa tay với xà phòng quan trọng hơn gấp nhiều lần. Khẩu trang y tế chỉ nên dành cho các nhân viên y tế, người bệnh đang nằm viện, người nhà chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện và những người có biểu hiện bệnh lý về hô hấp. Người dân không nên lạm dụng thu gom tích trữ khẩu trang y tế, mà nên dành cho những người thực sự cần.

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế phân tích: "Tới đây, nếu học sinh đi học mà tất cả các cháu đều đeo khẩu trang y tế thì không cần thiết và cũng không đủ đáp ứng. Các cơ sở sản xuất trong cả nước chỉ cho ra 3 triệu sản phẩm khẩu trang y tế mỗi ngày. Trong khi đó cả nước có 22 triệu học sinh, sinh viên. Nếu mỗi cháu sử dụng 2 chiếc khẩu trang y tế mỗi ngày thì sẽ tốn 44 triệu chiếc khẩu trang/1 ngày, sẽ không đủ đáp ứng và không cần thiết…”.

Những người có nguy cơ lây nhiễm bệnh Covid-19 hoặc có những biểu hiện lâm sàng như ho, cảm cúm, hắt hơi, sổ mũi, đau họng, khàn tiếng, đau ngực, hít thở khó.... cần đeo khẩu trang y tế để phòng ngừa dịch bệnh phát tán, đảm bảo an toàn cho người thân và cộng đồng người xung quanh. Hãy sử dụng khẩu trang đúng loại và đúng cách. Chú ý rửa tay đủ 6 bước với xà phòng, dưới vòi nước chảy. Nếu mỗi người đều thực hiện đúng khuyến cáo vừa nêu và có ý thức vì cộng đồng sẽ góp phần cùng ngành y tế đẩy lùi dịch bệnh./.