Thói quen uống rượu bia của nhiều người vô cùng nguy hiểm, đặc biệt đối với những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông bởi nguy cơ gây tai nạn cho chính mình và những người khác. Tháng ATGT năm 2011, Ủy ban ATGT quốc gia quyết định lấy chủ đề “Phòng, chống uống rượu, bia đối với người điểu khiển phương tiện giao thông” nhằm tuyên truyền, xử lý mạnh mẽ các hành vi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên VOVNews đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Thái – Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia.

PV: Xin ông cho biết vì sao “Phòng, chống uống rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông” lại được Ủy ban ATGT quốc gia lấy làm chủ đề cho tháng ATGT năm nay?

Ông Nguyễn Trọng Thái:Theo những số liệu phân tích về tai nạn giao thông (TNGT) những năm vừa qua cũng như 6 tháng đầu năm 2011, việc lạm dụng rượu bia của người điều khiển phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra TNGT ở Việt Nam.

Đặc biệt theo thống kê, đã có từ 8 - 10% tổng số người chết vì TNGT đường bộ là do có sử dụng rượu, bia. Chúng ta đã có những quy định cụ thể về nồng độ cồn cho người tham gia giao thông, nhưng có rất nhiều người không chấp hành. Có thể nói, rượu bia đang là vấn đề nổi cộm, là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng TNGT hiện nay.

Trong chương trình “Thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ 2011 – 2020” của LHQ mà Việt Nam tham gia cũng hướng các hoạt động vào việc hạn chế, ngăn ngừa những nguy cơ cao gây TNGT, đặc biệt là việc phòng chống uống rượu, bia đối với lái xe.

Bên cạnh đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 88 về các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT, trong đó việc phòng chống vi phạm về nồng độ cồn đối với lái xe là một trong những giải pháp trọng tâm. Với những cơ sở thực tiễn trên đây, Ủy ban ATGT quốc gia đã quyết định chọn chủ đề cho tháng ATGT năm 2011 là: “Phòng, chống uống rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông”.

DSCF6317.jpg

Ông Nguyễn Trọng Thái – Phó CVP Ủy ban ATGT quốc gia.

PV: Tháng ATGT năm nay sẽ được tổ chức thực hiện như thế nào? Mục tiêu cụ thể của tháng ATGT hướng đến là gì thưa ông?

Ông Nguyễn Trọng Thái:Ngày 31/8, các địa phương trong cả nước sẽ đồng loạt tổ chức lễ phát động ra quân hưởng ứng tháng ATGT. Mục tiêu chính trong tháng ATGT năm 2011 là nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về hiểm họa của việc lạm dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông cũng như những hậu quả khôn lường của nó. Mục tiêu này đồng nghĩa với việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người tham gia giao thông, không uống rượu bia trước khi điều khiển phương tiện.

Một mục tiêu khác nữa là nhằm tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông, hướng đến giảm hành vi vi phạm liên quan đến sử dụng rượu, bia cũng như giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông trong tháng 9/2010 so với tháng 9/2010.

Để thực hiện được các mục tiêu này, UBATGTQG phối hợp với Ban ATGT các tỉnh, thành phố đẩy mạnh việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về chống lạm dụng rượu, bia; phổ biến rộng rãi các quy định của pháp luật về nồng độ cồn đối với người lái xe ô tô, mô tô; các mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe; các nguy cơ gây tai nạn và hậu quả TNGT do lái xe uống rượu, bia.

Năm 2010, tại Việt Nam đã xảy ra 13.833 vụ TNGT làm chết 11.406 người và bị thương 10.059 người. Trung bình mỗi ngày có từ gần 60 người chết và bị thương do TNGT. Chỉ trong 7 tháng đầu năm 2011, đã có 5.705 vụ TNGT làm chết 4.787 người, bị thương 4.399 người. Trong đó, có trên 95% là TNGT đường bộ.

Trong tháng ATGT năm 2011, lực lượng chức năng sẽ tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo Nghị định số 33/2011/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Tập trung xử lý các lỗi: vi phạm tốc độ, không đi đúng làn đường, tránh vượt sai quy định, vượt đèn đỏ, chở quá tải, quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm.

Ngoài ra, các lực lượng chức năng sẽ huy động lực lượng, bổ xung trang thiết bị đo nồng độ cồn, tập trung kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, tạo tính răn đe hình thành ý thức tự giác chấp hành pháp luật không uống rượu, bia trước khi lái xe.

PV:  Có một thực tế là hiện nay ở nhiều nơi, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi, tập tục uống rượu vẫn là một thói quen trong sinh hoạt cộng đồng. TNGT do rượu, bia tại những vùng này xảy ra phổ biến và nghiêm trọng. Vậy theo ông, giải pháp nào để ngăn chặn, hạn chế tình trạng này?

Ông Nguyễn Trọng Thái:Đúng là tình trạng uống rượu, bia ở vùng nông thôn, vùng đồng bào miền núi vẫn còn rất phổ biến. Người uống rượu, bia xong vẫn cứ điều khiển phương tiện giao thông như xe đạp hoặc mô tô, xe máy. TNGT do nguyên nhân uống rượu, bia điều khiển phương tiện diễn ra khá phổ biến và kéo theo hậu quả rất đau lòng.

Để ngăn chặn, hạn chế tình trạng này, trước hết chúng ta phải tổ chức tuyên truyền sâu rộng để cho người dân ở vùng sâu, vùng xa kể cả vùng đồng bào miền núi hiểu được tác hại, ảnh hưởng của rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông.

Tiến hành dần từng bước việc phổ biến quy định của pháp luật về nồng độ cồn, đã lái xe ô tô là không có độ cồn trong máu, đối với người lái xe mô tô mức cồn thấp hơn luật cũ rất nhiều (không vượt quá 50mg/100ml máu). Đồng thời tuyên truyền mức xử phạt đối với hành vi vi phạm rất nặng: từ phạt tiền, tạm giữ phương tiện, tịch thu giấy phép lái xe.

Trên thực tế, ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, công tác tuần tra kiểm soát còn gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi đánh giá công tác tuyên truyền vận động vẫn là vô cùng quan trọng bởi nó tác động vào nhận thức của mọi người dân trong việc chấp hành tốt quy định pháp luật.

Khi nồng độ cồn là 0,10g/100ml máu, người bắt đầu say. Nồng độ cồn là 0,40g/100ml máu, con người có cảm giác lơ mơ và nếu nồng độ cồn trong máu là 0,50g/100ml máu, người uống sẽ rơi vào hôn mê. Nếu lái xe uống một lượng rượu quá mức cho phép sẽ khiến họ không làm chủ được tay lái, tốc độ cũng như không nhận định được rõ ràng đường đi. Việc gây tai nạn là rất dễ xảy ra.

Trên tinh thần đó, tháng ATGT năm 2011, chúng tôi đã chuẩn bị các tài liệu, nhiều thông điệp và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền như xây dựng thông điệp trên truyền hình, trên Đài TNVN, in ấn tờ rơi, áp phích về việc phòng chống uống rượu bia nhằm tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng.

Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp với các cơ quan, đoàn thể như MTTQ Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Bộ GD&ĐT… nhằm tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng về tháng ATGT.

PV: Thưa ông! các mục tiêu đề ra trong tháng ATGT hàng năm đều đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, việc duy trì kết quả này cho những tháng tiếp theo dường như vẫn chưa được chú trọng?

Ông Nguyễn Trọng Thái:Qua hoạt động của tháng ATGT năm nay, các ngành, các lực lượng, các cơ quan đoàn thể, các địa phương tập trung đẩy mạnh việc tuyên truyền về chủ đề này, đồng thời cần tăng cường lực lượng, tăng cường xử phạt tạo ra sự chuyển biến về nhận thức trong cộng đồng chấp hành tốt những quy định về nồng độ cồn khi lái xe, đã uống rượu bia là không lái xe.

Trên cơ sở kết quả tháng ATGT năm nay, chúng tôi đề nghị Ban ATGT các tỉnh, thành phố duy trì kết quả này trong những tháng tiếp theo, đặc biệt là trong thời điểm cuối năm nhằm phát huy kết quả đã đạt được, nâng cao ý thức tự giác của người dân khi điều khiển phương tiện giao thông phải có ý thức chấp hành tốt những quy định, pháp luật của nhà nước.

PV: Xin cảm ơn ông!./.