Tại miền Trung, các phụ huynh thí sinh cho rằng, xét tuyển đại học mà như “đánh bạc” với vận may, sự lo âu, mệt mỏi bao trùm tại các điểm trường.
Từ 7 giờ sáng 19/8, không khí tại Đại học Đà Nẵng ngột ngạt dưới cái nóng 37 – 38 độ C. Hàng trăm thí sinh cùng phu huynh tập trung về đây từ khá sớm, đứng ngồi mệt mỏi khắp hành lang tòa nhà chờ rút hồ sơ đăng ký xét tuyển. Hiện, mỗi ngày, Đại học Đà Nẵng tiếp nhận hơn 1.000 thí sinh tới rút, nộp hồ sơ. Rất nhiều thí sinh cùng phụ huynh ở xa từ Nghệ An cho tới tận Gia Lai, Phú Yên cũng có mặt sớm tại các điểm trường xin rút, nộp hồ sơ.
Thí sinh chen chúc tại Đại học Huê để rút hồ sơ. |
Bà Nguyễn Thị Phương, phụ huynh em Nguyễn Thị Thanh Hương ở tỉnh Phú Yên cho biết, Hương được 24 điểm nhưng vẫn không đủ điểm vào ngành Công nghệ thông tin, Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng phải chạy đôn chạy đáo ra lại trường xin rút hồ sơ: “Em nó đi Phú Yên từ tối hôm qua giờ mới ra tới đây rút hồ sơ, mới đi nộp rồi đó. Cô thấy phức tạp quá. Ngồi ăn cũng không được mà ngủ cũng không yên, cứ phấp phỏng phấp phỏng. Sáng nay con nhỏ này phải bay ra lấy hồ sơ nộp trường khác. Rồi trường khác mai mạng lên rồi lại phải lấy chạy đi trường khác. Một lần thi thế này biết bao tốn kém. Nhà thì nghèo tiền đâu có mà chạy rứa đó, nhà giàu cũng không đi được chứ”.
Một triệu đồng là chi phí mỗi lần em Hồ Thị Hà Bảo đi từ tỉnh Nghệ An vào thành phố Đà Nẵng chỉ để rút, nộp hồ sơ. Gần 20 ngày chờ đợi, Hà lo lắng không yên, cảm giác tỷ lệ thí sinh ảo rất nhiều. Dù Bộ GD-ĐT đã cho phép thí sinh không cần đến rút hồ sơ xét tuyển tại trường đại học mà có thể thay đổi nguyện vọng xét tuyển ngay tại địa phương qua Sở GD-ĐT, hoặc tới các trường trung học phổ thông, nhưng Hồ Thị Hà Bảo vẫn vào tận Đà Nẵng để xin rút hồ sơ: “Nguyện vọng một trong đó có 4 ngày trong một trường, những bạn có điểm cao các bạn viết đủ 4 ngành, nên em không biết lượng hồ sơ ảo như nào cho đúng. Nên đi rút hồ sơ em tự đi vô cho chắc ăn, không biết hồ sơ mình thất lạc, không chắc chắn, vì mấy bạn em cũng toàn đi tận nơi, tận trường để rút cả”.
Có mặt tại TP Huế từ sáng sớm, thí sinh Hồ Thị Thảo Hiền, đến từ huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị ngồi chờ hơn 3 tiếng đồng hồ vẫn chưa rút được hồ sơ. Hiền cho biết em thi được 20,5 điểm, khối A, từ ngày 12/8 đã nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành kế toán Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế. Tuy nhiên, mấy ngày nay liên tục cập nhật thấy rất nhiều thí sinh điểm cao nộp vào trường này nên tên mình bị đẩy ra khỏi chỉ tiêu xét tuyển. Sau thời gian cân nhắc, Hiền đã chọn phương án an toàn là rút hồ sơ để nộp vào ngành Nuôi trồng thủy sản, Trường Đại học Nông lâm Huế: “Em dò danh sách trên Web của trường , nơi chỗ nhận danh sách nhận chỉ tiêu 120 nhưng đến số tứ tự của em là 200, thấy không đậu chắc luôn nên phải rút nhưng vẫn đang chờ”.
Nhiều thí sinh phải đến Đại học Huế từ sáng sớm chờ đợi để rút hồ sơ chuyển sang các ngành khác. |
Đại học Huế có 8 trường đại học thành viên và 3 đơn vị trực thuộc. Việc xét tuyển vào đại học năm nay do Đại học Huế thực hiện.
Lượng thí sinh đến nộp và rút hồ sơ nguyện vọng 1 tại đây quá nhiều, Tiến sĩ Lê Văn Anh, Phó Giám đốc Đại học Huế cho biết: Đại học Huế đã nhận hơn 17 nghìn hồ sơ đăng ký nguyện vọng 1, và đã có 3 nghìn thí sinh xin rút hồ sơ: “Ngày 19/8 được xem là ngày đông nhất, bởi vì ngày mai là ngày cuối cùng nộp thôi cho nên hôm nay số lượng đông so với mọi hôm. Đại học Huế cố gắng giải quyết xong trong từng ngày một, đặc biệt là ngày hôm nay giải quyết cho hết số thí sinh rút hồ sơ, thậm chí có những thí sinh 7-8 giờ tối đến rút hô sơ vẫn cho rút./.