Đã 60 năm trôi qua, tuy tuổi đã cao nhưng ký ức về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ vẫn còn in đậm trong tâm trí của cựu chiến binh Nguyễn Lương Thái ở khu phố 5, phường Vĩnh lạc thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Khí thế hào hùng của một thời “khói lửa” cùng đồng đội và nhân dân cả nước làm nên chiến thắng  lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu đã sống lại qua câu chuyện của ông. Niềm vinh dự nhất của ông Thái là cùng với 4 anh em khác trong dòng họ tham gia chiến dịch Điện Biên phủ. Trong cuộc chiến đấu khốc liệt ấy 2 người  anh họ của ông đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường Điện Biên. Còn 3 anh em ruột ông  trở về  nhưng thân thể đầy vết thương và hiện nay 2 người đã qua đời. Ông Thái nay đã bước sang tuổi 85.

chien-thang-dbp-1.jpg
Các chiến sĩ mang cờ "Quyết chiến quyết thắng", ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh kết hoa trên xe tăng của địch diễu hành ở Điện Biên Phủ mừng chiến thắng (Ảnh tư liệu)

Ông Thái sinh ra và lớn lên ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Năm 16 tuổi, ông đã làm liên lạc cho tiểu đoàn  198 của tỉnh. Sau một lần bị thương, đơn vị cho nghỉ dưỡng bệnh một thời gian rồi tiếp tục công tác. Ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đúng vào ngày 13/3/1954, ngày đầu tiên ta đánh trận Him Lam. Ông Thái cùng với các trung đoàn pháo củng cố hầm pháo, củng cố giao thông hào và chịu trách nhiệm hậu cần cho 2 khu vực Đồi A1 và đồi Mâm Xôi. 

Nhiệm vụ hậu cần hết sức gian khổ. Khi thì giao dịch, nhận hàng, có lúc đi hết bản này, bản kia để vận động quyên góp lương thực nuôi quân. Sau đó ông  được bổ sung vào đội cứu thương thuộc Đại đội 18 thuộc trung đoàn 98-Sư đoàn 316. Nhiệm vụ này cũng không kém phần nguy hiểm; chuyển thương binh từ mặt trận, từ giao thông hào ra ngoài; công việc rất vất vả và hiểm nguy, phải đi vào  ban đêm, phải trèo đèo, lội suối, nhịn đói, nhịn khát. Có những đêm thức trắng bên đồng đội đã hy sinh.

Đã hơn nửa thế kỉ trôi qua nhưng ông Nguyễn Lương Thái vẫn nhớ những cảm xúc của mình sau 56 ngày, đêm chiến đấu anh dũng, quân và dân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn.

“Lúc đó tôi ngồi trên đồi cao nghe đài đưa tin tướng giặc ra đầu hàng cảm giác vui sướng không gì tả nổi. Bản thân cũng mừng vì bom đạn ác liệt thế không nghĩ mình còn có thể sống sót”, ông Thái chia sẻ.

Ông Nguyễn Trọng Ái năm nay đã 87 tuổi ở phường An Hòa, thành phố Rạch Giá vẫn còn nhớ rất rõ trận đánh 56 ngày đêm “khoét núi ngủ hầm” góp phần cùng đồng đội và nhân dân làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu 60 năm trước. Ông  quê ở xã Kim Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông tham gia cách mạng từ năm 1945, làm dân quân tự vệ và tham gia dạy các lớp bình dân học vụ xóa nạn mù chữ theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh Ông chiến đấu ở chiến dịch Điện Biên Phủ từ lúc bắt đầu đến khi toàn thắng. Ban ngày ông cùng đồng đội chiến đấu, đêm đến mọi người bí mật đào hầm. Ông nhớ nhất là thời gian đào hầm bí mật thông đến bên dưới hầm chỉ huy của Tướng De Castries. Qua mấy chục ngày đêm đào hầm, nghiệm thu xong ta cho nổ mìn. Một tiếng nổ long trời lở đất, chấn động cả núi rừng Tây bắc. Quân lính chết khá đông. Toàn bộ ban chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ do Tướng De Castries đã cầm cờ trắng ra đầu hàng. Lá cờ Tổ quốc Việt Nam tung bay trên nóc hầm sở chỉ huy của địch. Kết thúc 56 ngày đêm chiến đấu anh dũng, quân ta đã chiến thắng trên mặt trận Điện Biên Phủ. Các chiến sĩ của ta từ hầm bí mật di chuyển hết lên trên mặt đất cùng vũ khí lương thực. Anh em nhảy múa, vỗ tay, reo hò và tập trung thu vũ khí của địch. Ông Nguyễn Văn Ái  nhớ lại: “Nhờ có sự giáo dục rèn luyện của Đảng và Nhà nước mà mình có suy nghĩ phải biến thành hành động thiết thực, ở môi trường nào hoàn cảnh nào cũng phải phát huy. Trong chiến đấu thì dũng cảm, trong hòa bình thì học tập nâng cao nghiệp vụ chuyên môn góp phần vào việc xây dựng kiến thiết đất nước”.

49 năm tham gia cách mạng, trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ chống giặc ngoại xâm nhưng sau khi nghỉ hưu ông Ái vẫn tiếp tục tham gia hoạt động đoàn thể. Ông làm Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi và Chi hội Cựu chiến binh khu phố II phường An Hòa thêm 17 năm nữa.  

Công lao đóng góp của ông Nguyễn Trọng Ái cho đất nước đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng hàng chục tấm Huân, Huy chương, bằng khen, giấy khen. Những phần thưởng cao quí ấy, ông vẫn giữ đến tận hôm nay. Trong đó có Huy hiệu Điện Biên Phủ và 1 chiếc ca có hàng chữ “Quyết chiến quyết thắng.” là những kỉ vật ông luôn giữ bên mình với tất cả niềm tự hào về một thời oanh liệt.

Là những người đã đi qua 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, góp phần giành độc lập tự do cho dân tộc, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như ông Nguyễn Lương Thái, ông Nguyễn Trọng Ái luôn mong muốn lớp trẻ phải hiểu được lịch sử cách mạng Việt Nam, hiểu quá khứ hào hùng của dân tộc. Từ đó ra sức tu dưỡng, rèn  đức, luyện tài  để xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng văn minh,  giàu đẹp, xứng đáng với sự hy sinh của bao lớp người đi trước./.