Theo một ấn phẩm mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), hơn 20 triệu lao động giúp việc gia đình tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ được hưởng lợi từ bộ Tiêu chuẩn năng lực mẫu của khu vực (RMCS) dành cho công việc giúp việc gia đình. Điều này chỉ đạt được nếu quá trình hội nhập khu vực ASEAN đảm bảo việc công nhận lẫn nhau về những kỹ năng nghề của người lao động giữa các quốc gia.
Bà Tomoko Nishimoto, trợ lý Tổng Giám đốc ILO kiêm Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương chia sẻ: “Triển khai tiêu chuẩn RMCS sẽ đem lại những lợi ích to lớn cho người lao động giúp việc gia đình trong khu vực. Tiêu chuẩn RMCS là những tiêu chuẩn tham khảo ở phạm vi khu vực và có thể ứng dụng để hỗ trợ việc phát triển hiệu quả kỹ năng nghề, làm cơ sở để phát triển và thực hiện đào tạo, thẩm định kết quả đào tạo, thẩm định kỹ năng nghề và năng lực hiện có của một người lao động”.
Theo ước tính của ILO, năm 2010 có khoảng 21,5 triệu lao động giúp việc gia đình làm việc tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Con số này chiếm tới 40,8% tổng số lao động giúp việc gia đình trên thế giới.
Tiêu chuẩn RMCS bao trùm tất cả các nhiệm vụ cốt lõi của người giúp việc gia đình, gồm có lau dọn, trông nom nhà cửa, nấu nướng và chế biến thức ăn, chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, chăm sóc người cao tuổi, chăm sóc động vật nuôi và cây cối trong nhà. Bộ tiêu chuẩn cũng bao gồm các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tổ chức và quản lý công việc của người lao động. Tiêu chuẩn RMCS cũng có lợi đối với những quốc gia đang trong quá trình xây dựng hoặc rà soát các tiêu chuẩn cấp quốc gia có liên quan.
Ấn phẩm của ILO với tựa đề “Tiêu chuẩn năng lực mẫu của khu vực: Công việc giúp việc gia đình” nhấn mạnh, các chính sách và chương trình của chính phủ cần phải khuyến khích sự phát triển không ngừng về kỹ năng và trình độ của người lao động giúp việc gia đình, nhằm nhằm thúc đẩy quá trình phát triển nghề nghiệp và cơ hội việc làm cho họ.
Bà Carmela Torres, Chuyên gia cao cấp của ILO cho biết: “Việc thúc đẩy việc làm tử tế cho người lao động giúp việc gia đình là điều cần được khuyến khích. Để làm được điều này, việc phát triển và ghi nhận các kỹ năng nghề của lao động giúp việc gia đình đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập ASEAN năm 2015”./.