Nhóm nghiên cứu của phòng thí nghiệm Công nghệ gen, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vừa công bố chế tạo thành công sinh phẩm RT-LAMP phát hiện nhanh virus corona chủng mới. Nhóm đã sử dụng quy trình phát hiện nhanh chủng virus Corona mới bằng kỹ thuật RT-LAMP với thời gian cho kết quả sau 70 phút.

PV VOV có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Lê Quang Hòa, Trưởng nhóm nghiên cứu về quá trình nghiên cứu bộ sinh phẩm này.

4ac3d7c5e7860ed85797_uyrb.jpg
TS Lê Quang Hoà cùng đồng nghiệp tại phòng thí nghiệm tại Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: HUST

PV:Ông có thể giới thiệu rõ hơn về bộ Kit thử nhanh virus Corona mà nhóm đã nghiên cứu thành công?

Tiến sỹ Lê Quang Hòa: Đầu tiên tôi phải nhấn mạnh rằng bộ sinh phẩm này được xây dựng trên mẫu vật liệu di truyền của virus được tổng hợp nhân tạo bởi nhóm nghiên cứu chúng tôi. Đây cũng là một phương pháp tiếp cận phổ biến hiện nay trên thế giới khi mà chúng ta không có mẫu bệnh phẩm thực. Từ các mẫu vật liệu di truyền được tổng hợp nhân tạo này chúng tôi đã phát triển được một bộ sinh phẩm bao gồm 2 giai đoạn chủ yếu. Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn tách chiết RND của virus và giai đoạn thứ 2 là giai đoạn khuếch đại vùng gen đích của virus dựa trên kỹ thuật RT-LAMP.

Giai đoạn tách chiết RNA của virus chúng tôi sử dụng công nghệ silica gel, với tương tác giữa RNA với hạt silica gel đó thì RNA sẽ được giữ lại trên cột và sau đó quá trình rửa thì RNA sẽ được hòa tan trong nước để tiếp tục được sử dụng trong phản ứng RT- LAMP sau này.

Về đặc điểm của phản ứng RT- LAMP thì đây là một kỹ thuật khuếch đại đẳng nhiệt – axit nucleic rất hiệu quả, chuyên dùng trong các sinh phẩm để phát hiện các virus gây bệnh có vật liệu di truyền là RNA. Hiệu quả khuếch đại của phản ứng này thì có thể lên đến từ 1 tỷ cho đến 10 tỷ lần chỉ trong vòng từ 15 đến 60 phút tùy thuộc vào phản ứng của chúng ta được tối ưu hóa đến đâu.

Chúng tôi đã dựa trên vật liệu di chuyền được tổng hợp nhân tạo đó thì đã xây dựng quy trình của phản ứng LAMP chỉ diễn ra trong vòng 30 phút, với độ nhậy với ngưỡng phát hiện hiện nay là khoảng từ 3 đến 5 phiên bản trong 1 phản ứng, tức là tương đương với kỹ thuật real-time RT-PCR (được khuyến cáo bởi WHO).

PV: Quy trình phân tích của bộ sinh phẩm này có ưu điểm gì khác biệt so với các quy trình phân tích hiện có?

Tiến sỹ Lê Quang Hòa: Toàn bộ quy trình phân tích diễn ra trong vòng 70 phút. So với các phương pháp tiêu chuẩn hiện nay thì thông thường kéo dài trong vòng 3 giờ. Đấy cũng là một bước cải tiến trong quá trình phân tích, chẩn đoán nếu được ứng dụng trong thực tiễn.

Tuy nhiên, ưu điểm nổi bật nhất của kỹ thuật RT-LAMP tức là khả năng ứng dụng tại hiện trường. Bởi vì kỹ thuật này chỉ cần yêu cầu các thiết bị hết sức đơn giản, quy trình cũng không quá phức tạp, do vậy nó hoàn toàn có khả năng ứng dụng tại bệnh viện tuyến huyện hay là các bệnh viện dã chiến được, để khi có dịch bùng phát thì chúng ta có khả năng khoanh vùng dịch và cách ly vùng dịch đó.

PV: Thời gian mà nhóm bắt đầu nghiên cứu đến khi hoàn thành và công bố bộ Kit thử nhanh virus Corona trong khoảng bao lâu thưa ông?

Tiến sỹ Lê Quang Hòa: Ý tưởng của nhóm cũng bắt đầu từ đầu năm 2020, khi Trung Quốc báo lên Tổ chức Y tế Thế giới, có một số trường hợp viêm phổi mà không xác định nguyên nhân, chúng tôi đã theo dõi thông tin đó hết sức chặt chẽ rồi.

Sau đó ngày 13/1/2020 Trung Quốc công bố đã xác định được tác nhân và công bố trình tự hệ gen của chủng corona virus mới gây bệnh đường hô hấp thì lập tức chúng tôi so sánh các trình tự và tiến hành thiết kế mồi cũng như tổng hợp gen nhân tạo để sẵn sàng sau Tết tiến hành triển khai các nghiên cứu tối ưu hóa quy trình và hiện nay thì kết quả đạt được rất là khả quan.

PV: Sau khi hoàn thành nghiên cứu thì nhóm sẽ có các bước triển khai tiếp theo như thế nào để sớm đưa bộ Kit này vào ứng dụng, giúp rút ngắn thời gian chuẩn đoán bệnh?

Tiến sỹ Lê Quang Hòa: Bộ sinh phẩm của chúng tôi được xây dựng trên những mẫu RNA được tổng hợp nhân tạo. Do vậy để đảm bảo độ chính xác về mặt khoa học thì chắc chắn bộ sinh phẩm sẽ phải được thử nghiệm trên các mẫu RNA được tách chiết từ mẫu bệnh phẩm thực, cũng như thực hiện quá trình tách chiết từ mẫu bệnh phẩm thực để có khả năng so sánh với phương pháp tiêu chuẩn hiện nay là phương pháp real-time RT-PCR. Từ đó có khả năng so sánh kết quả 2 phương pháp thì chúng ta sẽ kết luận được là liệu bộ sinh phẩm có đạt được độ chính xác cần thiết để sử dụng trong thực tiễn hay không.

Hiện nay chúng tôi rất mong các cơ quan chuyên ngành, Bộ Y tế cũng như Bộ Khoa học công nghệ tạo điều kiện cho chúng tôi tiếp cận được, hợp tác nghiên cứu với một số bệnh viện tuyến trung ương, các tổ chức chuyên ngành có các mẫu bệnh phẩm thực để chúng tôi có khả năng tiến hành thử nghiệm, kiểm định sinh phẩm, làm sao phải khẳng định được mẫu ngay cả những mẫu bệnh phẩm lâm sàng là kết quả cũng chính xác như các mẫu nhiễm giả định của chúng tôi.

Chúng tôi hi vọng, trong điều kiện tối ưu nhất mọi chuyện đều diễn ra suôn sẻ thì trong vòng từ 10 ngày đến 2 tuần nữa thì bộ sinh phẩm có thể được chuyển đến bệnh viện tuyến huyện để có khả năng ứng dụng tại điều kiện thực tế.

PV: Xin cảm ơn ông!/.