Chiều 20/2, tại buổi tọa đàm về “Trách nhiệm truyền thông nhìn từ dịch Covid-19”, Ths Vũ Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng của Bộ Y tế chia sẻ, khi bắt đầu có những thông tin đầu tiên về dịch Covid-19, ngành y tế đã phản ứng rất nhanh. Hầu hết, cán bộ và nhân viên trong công tác chống dịch không được nghỉ Tết 1 giờ nào. Hệ thống y tế dự phòng được kích hoạt ngay lập tức và đưa ra các kịch bản để đưa ra các phương pháp ứng phó khác nhau.

ong_cap_2_vov_dhip.jpg
Buổi tọa đàm về “Trách nhiệm truyền thông nhìn từ dịch Covid-19”.

Cũng theo ông Vũ Mạnh Cường, truyền thông về dịch Covid-19 trong thời gian qua đã được triển khai ở các cấp độ, các phương tiện truyền thông và các cách thức truyền thông khác nhau.

“Các anh chị ở phường, xã cũng nhận thấy họ truyền thông đến mình như thế nào. Hàng ngày chúng ta nghe đài, đọc báo, nó ở tất cả các cấp độ và tất cả các biện pháp. Ngày xưa khi còn làm báo thì tôi phản đối loa phường lắm nhưng khi mình làm trong ngành y, tiếp xúc với các cán bộ y tế cơ sở thì mới thấy không thể bỏ được loa phường. Chúng tôi đã sử dụng từ những phương tiện truyền thông đơn sơ nhất cho đến phương tiện truyền thông hiện đại nhất”- ông Vũ Mạnh Cường cho biết.

Được biết, mỗi ngày, có 150 triệu thuê bao di động trên toàn quốc được cập nhật thông tin dịch qua tin nhắn SMS từ Bộ Y tế. Đây là sự phối hợp rất hiệu quả, quyết liệt của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông). Bên cạnh đó, cùng các doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam cũng đã rất nhiệt tình, có trách nhiệm trong việc giúp Bộ Y tế gửi thông điệp đến cho các thuê bao của mình.

Cũng theo ông Vũ Mạnh Cường, trên “mặt trận” mạng xã hội, Zalo, ứng dụng Sức khỏe Việt Nam, cũng đã thành lập cổng điện tử về dịch bệnh, nhằm giải đáp thông tin, để người dân hiểu để nhận diện và hạn chế phát tán tin giả. Đồng thời cũng nhấn mạnh, trong dịch bệnh này, truyền thông không được giấu dịch, phải công khai minh bạch các thông tin về dịch bệnh cho người dân.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, điều quan trọng nhất của việc chống dịch là đừng để dịch vào Việt Nam. Thứ hai là nếu dịch vào thì đừng để dịch lan rộng, quá nhiều người bị mắc. Phần việc thứ ba liên quan đến điều trị sẽ phụ thuộc vào 2 yếu tố trên.

Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

BS Cấp chia sẻ, bộ phận y tế dự phòng trong thời gian qua đã thực hiện vô cùng hiệu quả, bằng chứng là chỉ có số lượng rất nhỏ bệnh nhân nhiễm Covid-19 (16 ca bệnh). Nhờ vậy, hệ thống điều trị cũng đáp ứng vừa sức nên đã đảm bảo được hiệu quả điều trị tối đa.

BS Cấp cũng đánh giá, vai trò của truyền thông trong việc không để dịch vào Việt Nam và hạn chế dịch lan rộng là vô cùng quan trọng, giúp công việc điều trị đảm bảo vừa sức, đạt hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, theo BS Cấp, hiện có một vấn đề quan trọng trong truyền thông chuyên môn là bệnh Covid-19 mới được xuất hiện nên nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến chẩn đoán, phương pháp chẩn đoán. Bởi đây là căn bệnh mới nên việc điều trị phải căn cứ vào hiểu biết sẵn có để xây dựng lên phương án điều trị ban đầu. Sau đó áp dụng vào thực tế, liên tục theo dõi, nghiên cứu, đổi mới để có phác đồ điều trị ngày càng hoàn thiện hơn. Đây là đặc thù của dịch bệnh mới khi các thông tin, nghiên cứu chưa đầy đủ. Chính vì vậy đã tạo khoảng cách giữa những điều của nhà chuyên môn nói và những điều người dân nghe được.

“Các nhà chuyên môn muốn nói 1 cách cực kỳ chính xác, chuẩn mực nhưng đến tai người dân thì họ sẽ không hiểu được nhà chuyên môn nói gì. Vì vậy, để thu hẹp khoảng cách giữa kiến thức hàn lâm với kiến thức đại chúng thì rất khó khăn. Kỹ năng của các bác sĩ trong việc thu hẹp khoảng cách này là kém, bởi chúng tôi được học quá nhiều về chuyên môn nhưng hầu như chúng tôi không được học về truyền thông. Các thông tin có thể dẫn đến hiểu biết, tin tưởng hoặc dẫn đến hoảng loạn”- BS Cấp chia sẻ.

Vì vậy, theo Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp, cần có 1 đội ngũ để có thể truyền tải được những khái niệm khoa học, chuyên môn hay diễn giải con số của dịch bệnh một cách phù hợp, đủ để người dân nắm được, tránh gây tâm lý lo lắng, hoảng loạn cho người dân./.