Ngày 11/9, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Công Hoàng - Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, cho biết, theo thống kê sơ bộ có hơn 100 tấn cá của người dân nuôi trong các lồng bè đã chết.

Trước đó, Chi cục cũng đã gửi mẫu ra Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản để xác định nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá nuôi trong các lồng bè và cá tự nhiên chết hàng loạt trên sông tại Hà Tĩnh.

vov_aanh_1_jeok.jpg

Cá chết chủ yếu là cá Chẽm (cá Vược) được thả nuôi hơn 1 năm có trọng lượng từ 1-3kg nên thiệt hại rất nặng nề.

Cũng theo ông Hoàng, trong sáng 11/9, Đoàn công tác của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 đã lấy mẫu nước, đất tại thôn Sông Hải, Sông Tiến, xã Thạch Sơn (Thạch Hà) và xã Cẩm Phúc, Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên) - nơi xảy ra hiện tượng cá lồng, cá tự nhiên và ốc hương chết hàng loạt để phân tích.

Sau khi thu thập đầy đủ các mẫu cá, mẫu trầm tích đất, mẫu nước để phân tích các yếu tố thủy hóa, thủy lý thông thường, dự kiến khoảng 3-5 ngày sau sẽ có kết quả phân tích nguyên nhân thủy sản chết hàng loạt trong thời gian qua trên địa bàn Hà Tĩnh.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, bắt đầu từ đêm 8/9, tại các vùng nuôi cá lồng của các hộ dân trên sông Nghèn thuộc địa phận xã Thạch Sơn và sông Rào Cái thuộc địa phận xã Thạch Đỉnh, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh bắt đầu xuất hiện hiện tượng cá chết hàng loạt trên các lồng nuôi. Cá chết chủ yếu là cá Chẽm (còn gọi là cá Vược) và cá Hồng Mỹ.

Cá chết có kích thước từ 1-3kg/1 con, đều là cá đã thả nuôi trên 1 năm. Người dân nơi đây cho biết, cá trong lồng đồng loạt bơi nổi đầu lên mặt nước đớp khí và sau đó chìm xuống đáy chết hàng loạt, cá chết nhanh và xảy ra ở tất cả các lồng nuôi.

Theo thống kê sơ bộ, tại địa bàn xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà có 54 hộ nuôi cá chịu thiệt hại với  259 lồng nuôi, sản lượng khoảng 100 tấn, giá trị thiệt hại ước tính trên 12 tỷ đồng. Tại xã Thạch Đỉnh, huyện Thạch Hà có 8 hộ nuôi chịu thiệt hại vước tính sản lượng khoảng 4,5 tấn…

Ngay sau đó, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cũng đã có văn bản hướng dẫn các biện pháp xử lý tác các vùng nuôi cá lồng bị thiệt hại. Trong đó yêu cầu thực hiện các biện pháp như: Thu gom cá chết xử lý, chôn cất đúng nơi quy định, không vứt cá chết ra môi trường. Tuyệt đối không được bán, không dùng cá chết làm thực phẩm cho người và động vật khi chưa có kết luận của cơ quan chuyên môn. Đưa lồng bè lên vệ sinh, phơi lồng khử trùng. Tạm dừng các hoạt động thả nuôi cá vào thời điểm hiện tại…/.