Bắt đầu từ ngày 13/2, học sinh THPT ở 12 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội kết thúc giờ học buổi chiều từ 18h, thay vì 19h. Việc điều chỉnh lần này đã làm giảm gánh nặng cho các nhà trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, đối với các trường trung học phổ thông ở 2 huyện ngoại thành là Thanh Trì và Từ Liêm, nỗi lo vẫn còn nhiều.

tan-hoc-muon.jpg

Tan học muộn gây không ít khó khăn cho học sinh ngoại thành.

Huyện Thanh Trì hiện có 2 trường THPT Ngọc Hồi và THPT Ngô Thì Nhậm. Học sinh của các trường này phần lớn đi học bằng xe đạp, nhà cách xa khoảng 4-5km, không ít em ở cách trường cả chục km. Từ khi đổi giờ học, giờ làm trên địa bàn thành phố Hà Nội, thầy và trò của các trường này gặp không ít khó khăn.

Ông Trần Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường THPT Ngọc Hồi cho biết, mùa Đông, 18h trời đã rất tối, đường sá lại nhiều ổ gà, có nhiều xe trọng tải lớn, nhiều học sinh phải đi qua những con đường liên thôn, liên xã, đi qua cánh đồng, do đó không đảm bảo an toàn cho học sinh, nhất là đối với học sinh nữ.

Thực tế, những con đường ở khu vực ngoại thành không chịu áp lực ùn tắc giao thông như trong nội đô. Theo thầy Tuấn, chưa bao giờ có hiện tượng tắc đường tại khu vực này. Vì thế, việc điều chỉnh giờ học đến 18h thực tế vẫn gây khó cho các học sinh, nhiều em lo lắng không dám tự đi xe đạp về mà phải có phụ huynh đến đón.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Hiệu trưởng trường THPT Ngô Thì Nhậm cũng kiến nghị, với các trường khu vực ngoại thành, giờ học buổi chiều nên kết thúc sớm hơn, trước 17h30 để tránh ảnh hưởng đến tâm lý học sinh và phụ huynh. Thực tế học sinh ở những trường ngoại thành không ảnh hưởng nhiều đến việc ùn tắc giao thông. Nếu có thể, thành phố cho phép nhà trường linh hoạt điều chỉnh giờ giấc để phù hợp với điều kiện của học sinh ngoại thành.

Ngành GD&ĐT Hà Nội đang cùng chung sức giảm ùn tắc giao thông cho Thủ đô, tuy nhiên cũng phải tính đến những bất cập để điều chỉnh. Rõ ràng là ở 2 huyện ngoại thành, việc điều chỉnh giờ để giảm ùn tắc giao thông chưa thực sự hợp lý.

Theo ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, ở 2 huyện Thanh Trì và Từ Liêm, số lượng học sinh THPT không đông, ảnh hưởng đến ùn tắc giao thông không nhiều nên các trường đều kiến nghị điều chỉnh kết thúc giờ học sớm hơn 18 giờ.

Ông Nguyễn Hiệp Thống cho biết thêm, trước mắt, Sở GD&ĐT vẫn yêu cầu các trường THPT thực hiện nghiêm quyết định của thành phố, bởi chỉ có thực hiện nghiêm các nhà chuyên môn mới đánh giá được hiệu quả của việc này như thế nào. Về lâu dài, trong quá trình thực hiện Sở sẽ kiến nghị xin tiếp tục điều chỉnh để việc dạy và học tại các trường thực sự có hiệu quả.

Cũng cần thấy rằng, các em học sinh ở 2 huyện ngoại thành đang thường trực nỗi lo trên mỗi chặng đường về nhà lúc chiều tối. Khung giờ mới được điều chỉnh tuy đã linh hoạt hơn, song vẫn còn đó những băn khoăn về sự hợp lý và hiệu quả trong việc giảm ùn tắc giao thông cũng như bảo đảm việc học tập và sinh hoạt của học sinh, nhất là ở các huyện ngoại thành, khi mà áp lực giao thông ở đây không quá lớn./.