Hôm nay (10/12), Bộ Y tế, Học Viện Quân y (Bộ Quốc Phòng) và Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh học Dược NANOGEN chính thức thông tin về quy trình thử nghiệm lâm sàng dự án vaccine Covid-19– NANO COVAX do Công ty NANOGEN nghiên cứu và sản xuất.

Tại chương trình, Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân Y cho biết, Học viện Quân y là đơn vị chủ trì triển khai thử nghiệm lâm sàng. Đây sẽ là khởi đầu một giai đoạn mới, Học viện sẽ cố gắng nỗ lực thực hiện nhiệm vụ Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế giao cho.

“Đại dịch Covid-19 tác động vào cuộc sống và đại dịch chưa dừng lại chưa dự báo đến đỉnh dịch nên những dự báo của nhà khoa học trên thế giới dự báo 2-3 năm nữa mới có thể kiểm soát đại dịch Covid-19. Chúng ta cần có nhiều giải pháp hơn nữa để kiểm soát, khống chế đại dịch Covid-19 do virus SARS-CoV-2”- Trung tướng Đỗ Quyết cho biết.

Trung tướng Đỗ Quyết cũng bày tỏ sự tin tưởng về tính khoa học, công nghệ hiện đại, quy trình sản xuất chuẩn mực và cảm ơn NANOGEN đáp ứng lớn về nhân lực để hôm nay chúng ta có sản phẩm vaccine Covid-19 mà Bộ Y tế đã chỉ đạo.

Tính an toàn phải đặt lên hàng đầu

Trung tướng cũng khẳng định, hôm nay Việt Nam bắt đầu đã có vũ khí chống dịch Covid-19. Học viện Quân y có nhiệm vụ là sử dụng vũ khí có hiệu quả hay không và có độ an toàn cao hay không.

“Học viện Quân y đã chuẩn bị lực lượng toàn quân, dồn toàn sức hoàn thành nhiệm vụ. Trước đó, 1 năm Học viện đã xin phép Bộ Quốc phòng thành lập Trung tâm về vaccine bao gồm thử nghiệm lâm sàng và thử nghiệm tiêm vaccine trên người. Hiện chúng ta đã chuẩn bị cơ sở vật chất vô cùng cẩn thận, với hệ thống 24 giường bệnh, hệ thống tiêm truyền, hệ thống cấp cứu. Đội ngũ bệnh viện sẵn sàng ứng trực, xử lý mọi tình huống trong quá trình thử nghiệm”- Trung tướng Đỗ Quyết cho biết.

Trung tướng cũng khẳng định, đối với giai đoạn thử nghiệm lâm sàng do Học viện Quân Y thực hiện, tình an toàn cần phải đặt lên hàng đầu. “Tôi cam kết nếu không an toàn, Học viện Quân y sẵn sàng độc lập và đề nghị không thực hiện. Bởi chúng ta không đổi tính an toàn của người dân Việt Nam, của cộng đồng với bất cứ điều gì khác. Chúng ta không để tai biến xảy ra trong quá trình thử nghiệm. Chúng tôi cố gắng cùng các đơn vị thực hiện tốt điều đó”- Trung tướng Đỗ Quyết nhấn manh.

Từ tháng 05/2020, Công ty NANOGEN đã bắt đầu tiến hành nghiên cứu và sản xuất vaccine Covid-19. Đây là dự án theo đơn đặt hàng của Bộ Khoa học - Công nghệ. Vaccine Covid-19, có tên gọi NANO COVAX, được phát triển theo công nghệ protein tái tổ hợp. Nhược điểm của loại vaccine này là vấn đề thời gian vì phải tạo dòng và chọn lọc trên tế bào nhưng ưu đểm lớn nhất của vaccine NANO COVAX là tạo được đáp ứng miễn dịch tốt, độ an toàn cao, ít tác dụng phụ và có điều kiện bảo quản thuận lợi hơn so với các loại vaccine khác (bảo quản 2 °C – 8°C ).

Sau quá trình thử nghiệm tiền lâm sàng trên chuột Balb/c, chuột Hamster và khỉ cho quả rất tốt, Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược NANOGEN đã nộp hồ sơ xin được cấp phép thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid - 19 trên người.

Sáng 9/12/2020, Hội đồng Đạo đức/Ban Đánh giá các vấn đề đạo đức trong nghiên cứu y sinh học của Bộ Y tế đã họp và phê duyệt thử nghiệm lâm sàng vaccine NANO COVAX.

Công ty NANOGEN đã tham khảo các nghiên cứu lâm sàng của nước ngoài, xây dựng các tiêu chí đánh giá độ an toàn và hiệu quả dựa trên đặc điểm quân thể và dịch tễ học tại Việt Nam để lập đề cương nghiên cứu và lựa chọn thiết kế nghiên cứu phù hợp. Đồng thời đề xuất thử nghiệm lâm sàng qua 3 giai đoạn, trong đó:

Giai đoạn 1: Từ 12/2020- 02/2021, có 60 người từ 18-50 tuổi.

Giai đoạn 2: 02/2021- 08/2021, có khoảng 400-600 người từ 12-75 tuổi.

Giai đoạn 3: Từ 08/2021- 2/2022, có 1.500-3.000 người từ 12-75 tuổi.

Tất cả các đối tượng tham gia nghiên cứu sẽ được tiêm bắp 2 liều vaccine hoặc giả dược (đối với giai đoạn 2 & 3). Khoảng cách giữa 2 liều là 28 ngày. Thời gian nghiên cứu cho mỗi đối tượng là khoảng 56 ngày để đánh giá mục tiêu nghiên cứu và theo dõi đến tháng thứ 6 kể từ liều tiêm đầu tiên.

Tại Việt Nam, hiện 4 nhà sản xuất vaccine phòng Covid-19 đang nỗ lực, tập trung các nguồn lực nghiên cứu , sản xuất, đó là Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC), Công ty Vaccine và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất vaccine và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC) và Công ty Công nghệ sinh học Dược NANOGEN./.