Từ 1/5/2014 đến nay, Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu khí Hải Dương 981, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở Biển Đông với sự hộ tống mạnh mẽ của hàng trăm tàu trong đó có tàu quân sự và máy bay quân sự. Hoạt động của Trung Quốc ngày thêm căng thẳng với nhiều thủ đoạn ngang ngược, khiêu khích tàu chấp pháp Việt Nam đang bảo vệ vùng biển chủ quyền.
Trung Quốc không từ một thủ đoạn nào từ liều lĩnh đâm va, phun vòi rồng cản phá, làm hư hại tàu chấp pháp đến ngang nhiên đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam đang hoạt động trong vùng biển truyền thống, rồi nhẫn tâm ngăn cản các tàu khác đến cứu ngư dân bị nạn.
Tàu Hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Kiểm ngư Việt Nam (Ảnh: Đình Thiệu- Vinh Thông)
Những ngày biển động, lợi dụng mưa dông, gió lốc, tàu Trung Quốc tìm cách đâm va tàu Việt Nam, hay chạy nhanh vượt lên trước rồi lùi lại tạo ra hiện trường giả tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc để quay phim chụp ảnh đổ lỗi cho Việt Nam. Thậm chí, Trung Quốc trang bị thêm vật cứng hình quả lê trước mũi tàu để khi đâm va, tàu đối phương bị hư hại, nhưng khi chụp ảnh không thấy mũi tàu của Trung Quốc đâm va.
Trung Quốc đang xúc tiến việc đào đắp, thay đổi cấu tạo hàng loạt bãi đá ở đảo Gạc Ma, thuộc chủ quyền Việt Nam. Tờ South China Moning Post mới đây dẫn lời một học giả và một chuyên gia quân sự cho biết, căn cứ trên đá Chữ Thập có thể bao gồm một đường băng, hải cảng và kho chứa nhu yếu phẩm quân sự. Một thượng tá về hưu của Trung Quốc nhận định: một đường băng quân sự ở Trường Sa có thể là bước chuẩn bị cho việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông sau này.
Từ hành vi tiểu xảo đến hành động khiêu khích trắng trợn, Trung Quốc đang biến vùng biển thuộc Việt Nam thành vùng tranh chấp để thực hiện mưu đồ “gậm nhấm” đường “chín khúc”, tiến tới lâu dài chiếm hữu toàn bộ Biển Đông với hơn 2 triệu km2.
Trung Quốc đặt giàn khoan vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam không chỉ thách thức chủ quyền thiêng liêng của một dân tộc vốn quý Độc lập Tư do hơn bất kỳ điều gì khác trên thế gian này mà còn khoan sâu vào tinh thần tự tôn, lòng yêu nước thiết tha của mỗi người dân Việt Nam, dù sống ở trong nước hay ngoài nước.
Những gì đang diễn ra ở Hoàng Sa và Trường Sa hơn tháng nay cho thấy, Trung Quốc đang muốn thay đổi hiện trạng ở Biển Đông, bắt ép Việt Nam và các nước khác phải làm quen với một thực trạng mà ở đó mọi thứ quyền lực của họ phô bày, khiêu khích, phải nghe và làm quen với những luận điệu xảo trá, đổi trắng thay đen, đổ lỗi cho Việt Nam.
Đứng trước biển, trước thách thức này, Việt Nam bình tĩnh suy xét, ứng phó nhanh nhạy và hiệu quả, không mắc bẫy đối phương, kiên trì nguyên tắc bảo vệ chủ quyền quốc gia trong mọi tình huống. Dù cho trong một tháng, 24 tàu chấp pháp bị Trung Quốc đâm va, hư hỏng, hàng chục tàu đánh cá của ngư dân bị cản phá, làm hư hại, một tàu cá bị chìm, nhưng Chính phủ và Nhân dân Việt Nam vẫn kiên nhẫn chịu đựng, kiên trì đấu tranh pháp lý và ngoại giao, tìm cách giải quyết xung đột bằng hòa bình.
Người dân Việt thấm nhuần người xưa dạy: “trong họa có phúc, trong phúc có họa” để viết nên chân lý thời nay: “vừa là đối tác, vừa là đối tượng” để ứng xử theo lời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Với địa lý liền núi, liền sông, người Việt Nam ngàn đời nay biết sống và tồn tại bên canh nước lớn láng giềng, nên cố công vun đắp cho tình hữu nghị bền chặt. Nhưng cũng hơn ai hết Việt Nam thấu hiểu và luôn luôn cảnh giác với ý đồ, hành động bành trướng qua nhiều đời của các nhà lãnh đạo Trung Hoa. Nhân dân thế giới cũng biết điều đó nên mới đây nhiều cuộc hội thảo khoa học lịch sử và pháp lý trên thế giới đều cùng chung câu hỏi: Trung Quốc hãy chứng minh cho thế giới biết cơ sở lịch sử và pháp lý của cái gọi là “đường chín đoạn”, “chữ U” hay “lưỡi bò”.
Mới đây, trong cuộc hội thảo ở Washington, một học giả Mỹ đã thẳng thắn bác bỏ luận thuyết hoang tưởng “đường lưỡi bò” của Trung Quốc và cho rằng: Không có “đường chín đoạn” từ 2.000 năm trước mà chỉ có từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Sau sự kiện tháng 1/1974, Trung Quôc đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam, một tờ báo Mỹ vạch rõ: “Chiến lược của Trung Quôc dường như là củng cố vị trí trên quần đảo Hoàng Sa trước khi tiến tới quần đảo Trường Sa ở xa hơn nữa về phía Nam”. Nhận định này được làm rõ trong tuyên bố ngày 30/7/1977 của Ngoại trưởng Trung Quốc Hoàng Hoa rằng: “Khi thời cơ đến, chúng ta sẽ thu hồi toàn bộ quần đảo Nam Sa (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) mà không cần phải thương lượng gì hết.”
Độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Quốc gia bị thách thức từ nước lớn láng giềng “núi liền núi, sông liền sông”. Lại lần nữa mỗi người dân Việt Nam nhận ra sự thật.
Cựu Thủ tướng Anh Churchill cách đây hơn 60 năm đã nhận ra: “Thế giới này không có bạn bè hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích Quốc gia là vĩnh viễn.”
Ngạn ngữ Việt Nam có câu “trong rủi có may”, “trong cái khó ló cái khôn”. Lại một lần nữa, chúng ta nhận ra và kiên quyết xây dựng nền kinh tế tự chủ, độc lập, hợp tác đôi bên cùng có lợi, không bị ràng buộc bởi một ai.
Lại một lần nữa, toàn dân đoàn kết một khối vững chắc mà hạt nhân là lòng yêu nước thương nòi đã hun đúc từ ngàn đời nay.
Chúng ta cũng nói với nhân dân các nước ASEAN rằng, hơn lúc nào hết phải siết chặt đội ngũ, đi đúng đội hình, cùng hành động vì lợi ích chung.
Giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 hạ đặt sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam với sự hộ tống của hàng trăm tàu các loại, trong đó có cả tàu chiến, máy bay quân sự của Trung Quốc không chỉ thách thức chủ quyền, mà còn thách thức lòng can đảm của mỗi con dân Việt. Cách đây hơn 30 năm, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nói: “Lòng can đảm vốn có trong con người Việt Nam, và do đó chúng ta chưa bao giờ ở trong thế thủ”.
Cảnh giác, chủ động, can đảm, khôn khéo thoát ra khỏi hiểm họa, tận dụng cơ hội để phát triển bền vững, xứng đáng với tiền nhân./.