Tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế tại các bệnh viện, địa phương xảy ra rất phổ biến trong thời gian qua nhưng dường như giải pháp ngăn chặn, khắc phục chưa mấy hiệu quả. Một trong những nguyên do đầu tiên phải kể đến là chế tài xử lý của ta còn quá nhẹ.

Được biết, trong 4 tháng đầu năm 2017, thông qua Hệ thống Thông tin giám định điện tử, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phát hiện sai sót trong thanh toán và chỉ định dịch vụ kỹ thuật tại các địa phương lên đến hàng chục tỷ đồng như: Áp giá sai phẫu thuật, chỉ định xét nghiệm không đúng, kéo dài thời gian điều trị của bệnh nhân một cách phi lý… Cơ quan giám định BHXH cũng đã phát hiện gần 200 trường hợp thường xuyên đến khám tại 4 cơ sở khám chữa bệnh trở lên với số tiền gần 8 tỉ đồng. Điển hình như một trường hợp ở Sóc Trăng, đã khám bệnh, sử dụng điện châm và chiếu hồng ngoại 95 ngày tại trạm y tế xã với số tiền 11 triệu đồng. Một trường hợp ở thành phố Hồ Chí Minh, khám chữa bệnh 57 lần ở 13 cơ sở y tế với tổng chi phí lên tới gần 40 triệu đồng...

benh_vien_qua_tai_jwbz.jpg
Quỹ BHYT bị trục lợi gây nhiều thiệt hại cho người tham gia BHYT

Nhiều hình thức lạm dụng khác như: khám quá nhiều bệnh nhân trên một bàn khám một ngày (từ 80 đến hơn 100 bệnh nhân) vẫn diễn ra. Đơn cử ở tỉnh Nghệ An, tại Bệnh viện đa khoa thành phố Vinh, có ngày 1 bác sĩ thực hiện nội soi tai mũi họng 150 ca, một bác sĩ khác thực hiện khám 180 bệnh nhân (bình quân là 3 phút/ca), trong khi định mức quy định các trường hợp này là 15 phút/ca… Nhiều bệnh viện còn bố trí phòng điều trị nội trú không đủ điều kiện, như không có điều hòa, tự kê thêm giường bệnh, thậm chí kê cao hơn gần 4 lần số giường kế hoạch.

“Chiêu” rút ruột BHYT dễ phát hiện và phổ biến nhất là bệnh nhân đi khám nhiều lần để được cấp thuốc, rồi bán lấy tiền, còn cơ sở y tế thì có những chỉ định vô lý để được thanh toán. Thế nhưng, việc rút ruột này sẽ không bao giờ thực hiện được nếu không có sự tiếp tay của nhân viên y tế, sự bao che của lãnh đạo các bệnh viện. Các y bác sĩ khi trục lợi quỹ BHYT là tước đoạt đi cơ hội khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người khác. Còn người dân, họ chỉ cần thấy mình có lợi mà chẳng mất gì nên cứ làm theo.

Quỹ BHYT là quỹ phúc lợi chung của những người tham gia BHYT. Thế nhưng, việc sử dụng và quản lý quỹ hiện nay có quá nhiều vấn đề, gây mất công bằng trong khám, điều trị. Nhiều lương y coi đây như “một kho thóc” đào phá được càng nhiều càng tốt. Khi các cơ quan quản lý có những chính sách để tạo điều kiện cho người tham gia BHYT thì lại là cơ hội, kẽ hở để những người làm trong ngành y trục lợi. Đơn cử như chính sách thông tuyến khám chữa bệnh, mở rộng cho các bệnh viện tư nhân được tham gia thanh toán BHYT… đã khiến quỹ BHYT bị trục lợi không nhỏ.

Ông Dương Tuấn Đức - Giám đốc Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc (Bảo hiểm xã hội Việt Nam thừa nhận rằng, các giám định viên của BHXH không thể ngang “trình” với các y, bác sĩ trong việc chỉ định dịch vụ y tế, kê đơn thuốc được. Chính vì thế, họ rất cần Bộ Y tế sớm ban hành một hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí để “soi chiếu” các tiêu chuẩn, định mức trong khám, chữa bệnh. Hệ thống này còn thiếu đồng bộ, thiếu chính xác ngày nào thì thì tình trạng trục lợi BHYT càng nghiêm trọng ngày ấy.

Cùng chung quan điểm này, ông Phạm Lương Sơn – P. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam khẳng định: “Không thể nói rằng Bộ Y tế cứ ra thông tư, Quốc hội cứ ra luật, Chính phủ cứ ra nghị định, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cứ ra quy định, còn bác sĩ muốn chỉ định như thế nào là quyền của bác sĩ. Ở đây có cái gì đó có vẻ không vì quyền lợi của người bệnh. Chúng ta phải rất nghiêm túc nhìn thẳng vào vấn đề. Chúng ta phải kiên quyết để làm sao hướng tới việc sử dụng Quỹ BHYT hiệu quả nhất nhưng quyền lợi của người bệnh vẫn được đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật”.

Giải pháp trước mắt, theo ông Dương Tuấn Đức, bắt đầu từ 2017 khi giao dự toán kinh phí khám chữa bệnh BHXH sẽ tăng quyền chủ động cho các địa phương: từ việc Sở Y tế, BHXH tỉnh và chính cơ sở khám chủ động nhận nguồn kinh phí đó từ số thu của mình, từ nhu cầu chi của mình chứ không hẳn là chỉ có từ kinh phí BHXH cấp; chịu trách nhiệm trong việc để nó vượt quỹ. “Đã đến lúc chúng ta phải chấm dứt tình trạng cứ vượt quỹ là tỉnh báo Trung ương, trung ương lại thẩm định, mà việc thẩm định thì không bao giờ đúng 100%, rồi lại cấp kinh phí từ nguồn dự phòng. Việc này sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn” – ông Đức nói./.