Sáng 29/6 tại Hà Nội, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện Quy chế báo tin động đất, cảnh báo sóng thần và Quy chế phòng, chống động đất, sóng thần. Tham dự có đại diện Uỷ ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, động đất và sóng thần là những thảm hoạ thiên tai đã và đang xảy ra khá phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới, rất nhiều trong số này là những thảm hoạ tàn phá môi trường thiên nhiên, công trình, nhà cửa và cướp đi sinh mạng của hàng vạn người.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Quy chế phòng chống động đất, sóng thần của Chính phủ ra đời được 3 năm nhưng kết qủa đạt được chưa nhiều do tính chất của loại hình thiên tai này khác so với các loại thiên tai như bão, lũ. Trong lịch sử từ năm 114 tới năm 2003, Việt Nam ghi nhận được 1.645 trận động đất mạnh từ 3 độ richter trở lên, chủ yếu xảy ra ở Bắc bộ và Bắc trung bộ. Trong đó ghi nhận 2 trận động đất mạnh từ 6,7 đến 6,8 độ richter ở Điện Biên (năm 1935) và huyện Tuần Giáo (năm 1983), làm thiệt hại một số cơ sở hạ tầng và tài sản của nhân dân.
Trên cơ sở phân tích quá trình triển khai thực tế quy chế phòng chống động đất, sóng thần của Chính phủ tại các địa phương và ý kiến đóng góp của đại biểu các bộ, ngành liên quan, Hội nghị khẳng định: động đất đã xảy ra nhiều nơi ở nước ta, mặc dù chưa có động đất lớn. Tuy nhiên trong thời gian tới nguy cơ sóng thần có thể xảy ra vì vậy về công tác chỉ đạo, chủ động ứng phó động đất, sóng thần cần phải được nâng cao, các cấp ban ngành cần nâng cao sự phối hợp, không chủ quan lơ là. Tiếp tục xây dựng các trạm canh cảnh báo động đất và sóng thần. Tập trung nâng cao nhận thức của cộng đồng về động đất, sóng thần và những giải pháp phòng chống./.