Ngày 2/12, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức hội thảo tham vấn về chính sách và pháp luật liên quan đến người tự kỷ tại Việt Nam.

Theo bộ LĐ-TB&XH, những trường hợp tự kỷ đầu tiên được chẩn đoán ở Việt Nam vào cuối những năm 1990 - 2000, đến nay, số trẻ tự kỷ được phát hiện ngày càng tăng. Hiện Việt Nam có khoảng 20.000 trẻ tự kỷ.

TS. Vũ Song Hà, Phó giám đốc Trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số cho biết, nhiều quốc gia xem tự kỷ là một dạng khuyết tật và đưa vào Luật Người khuyết tật. “Việt Nam đã có một khung pháp lý để hỗ trợ người khuyết tật. Số trẻ tự kỷ được phát hiện ngày càng tăng và sẽ ngày càng có nhiều trẻ tự kỷ bước sang tuổi trưởng thành. Vì vậy, cần có thêm chính sách hỗ trợ để trẻ tự kỷ có thể tiếp cận dịch vụ đầy đủ hơn theo đúng chính sách dành cho trẻ em và người khuyết tật”, TS. Vũ Song Hà kiến nghị.

tu_ky_gxge.jpgHiện Việt Nam có khoảng 20.000 trẻ tự kỷ. (Ảnh: Internet)
Bà Đặng Huỳnh Mai, Chủ tịch Liên hiệp Hội Người khuyết tật Việt Nam đề nghị: “Chính phủ và những người làm luật sắp tới cần xem xét, điều chỉnh Luật Người khuyết tật tương thích với Công ước người khuyết tật. Từ đó, phân loại, xác định mức độ khuyết tật đưa người tự kỷ vào đối tượng khuyết tật trí tuệ”.

Theo TS. Nguyễn Ngọc Toản, Phó cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), Bộ đang xây dựng tài liệu hướng dẫn về vấn đề tự kỷ, tập huấn cán bộ của ngành để hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện xác định mức độ khuyết tật cho trẻ tự kỷ, để các em được hưởng các chính sách dành cho người khuyết tật./.