Đi về phía trước
Trong căn nhà ở con hẻm nhỏ phường 14, Quận 10, TP.HCM, chị Đoàn Thị Hồng (50 tuổi) không khỏi xúc động khi kể về quãng thời gian gia đình vắng đi người trụ cột gia đình hơn một năm qua. Vợ chồng chị kết hôm mười năm trước và có bé Nguyễn Ngọc Quỳnh Như (9 tuổi). Kết hôn muộn nên khi có Quỳnh Như, chồng chị Hồng như có thêm động lực để làm việc, vun vén cho gia đình.
Tháng 7/2021, chồng chị không may mất vì COVID-19. Thế là chị Hồng từ một người vốn chỉ quen với công việc nội trợ đã trải qua một khoảng thời gian khá khó khăn để ổn định tâm lý, tập làm quen với cuộc sống mới. Nhờ những người xung quanh giúp đỡ, chị Hồng có một chiếc xe đẩy để bán hàng trước nhà, vừa có thêm thu nhập vừa có thể chăm sóc con.
Cô bé 9 tuổi cũng được mẹ giải thích về sự ra đi của người cha. Ánh mắt non nớt, suy nghĩ ngây ngô của em cũng dần hiểu được phần nào về sự trống vắng trong trong căn nhà ấy. Thấy mẹ xúc động khi nhắc về ba, bé Quỳnh Như chạy lại ôm chầm lấy mẹ để an ủi.
“Mình cũng vì con, tại vì con còn nhỏ, mình suy nghĩ gì cũng nghĩ tới con mình, mình cũng cố gắng vượt qua, còn nếu không có bé mình cũng không biết làm sao”, chị Hồng nói.
Còn cô bé Quỳnh Như tuy nhỏ nhưng đã biết phụ mẹ những công việc vừa sức. Bé Quỳnh Như giữ ký ức đẹp về ba mình và đang học cách trưởng thành để đi cùng mẹ. “Con rất nhớ ba con, ba chơi với con, ba mua đồ chơi cho con, dắt con đi chơi. Con thích ba mẹ con nhất”, Quỳnh tâm sự.
Cũng như Quỳnh Như, Minh Hân cũng mồ côi cha vì COVID-19. Trước đó, ba của Hân không may bị tai biến phải nằm một chỗ, gia đình sống nhờ vào thu nhập từ mẹ là chị Phan Thị Dung với bán cá thuê ngoài chợ. Người chị lớn của Hân đã ra trường đi làm nên có thể tự lo cho mình.
Những ngày đầu năm học này, Minh Hân nhớ những ngày khai giảng trước đây có cả cha, cả mẹ đưa em đến trường, hay những lần đi học về có mặt ba ở nhà. Cả nhà 4 người sống trong một căn phòng nhỏ hơn 15m2, Hân ngồi học trên giường, mẹ chăm sóc ba ở bên dưới. Một năm nay, từ khi cha mất, cảm giác thiếu vắng hình bóng của cha vẫn thường xuất hiện mỗi khi em bước chân vào phòng.
Gặp Minh Hân trong một buổi trưa vừa mới đi học về, em ngồi ăn cơm một mình, vừa ăn vừa hướng mắt ra cửa sổ. Sáng em tự đạp xe đến trường, chiều đến thỉnh thoảng được mẹ đi làm về sớm đưa em đi học. Ngoài giờ học, thương mẹ phải dậy sớm làm lụng vất vả nên Minh Hân cũng phụ mẹ rất nhiều công việc nhà.
Hân kể: “Em thương mẹ, bình thường ở nhà em phụ mẹ quét nhà, lau nhà, phơi đồ, giặt quần áo, nhặt rau, nấu cơm. Lúc đó em nghĩ sẽ cố gắng học giỏi để mẹ vui lòng, để sau này có thể giúp gia đình”.
Chị Phan Thị Dung, mẹ của Minh Hân tự hào mỗi khi nhắc đến con. Bởi tuy còn bé, Hân đã hiểu chuyện và tự giác giúp mẹ rất nhiều.
“Từ ngày ba tụi nhỏ mất, cuộc sống vẫn như vậy, mỗi ngày đi bán nuôi con sống, 3 mẹ con đùm bọc nhau. Lúc này đỡ rồi, nhờ có người này người kia giúp, 3 mẹ con phấn chấn lên chút, nên đi làm chỉ nghĩ đi làm rồi về, vui vẻ sống cho sức khoẻ đỡ mệt”, chị Phan Thị Dung nói.
Cũng ở phường 14, Quận 10, Gia Huy (16 tuổi) có ba mất trong đợt dịch COVID-19 vừa qua. Huy cũng đang phải học cách trưởng thành sớm hơn những người bạn cùng trang lứa. Nhắc về ba, Huy nhớ nhất là kỉ niệm lần đầu tiên và cũng là duy nhất cả nhà được đi du lịch cùng nhau.
Bây giờ Huy cũng phải tự giác trong rất nhiều việc, từ ăn uống, học hành. Ngoài những buổi học trên trường, Huy thường ghé tiệm sửa xe của người quen để học nghề với mong muốn sau này có chuyện gì vẫn có nghề để kiếm tiền nuôi được mẹ.
"Mỗi lần về nhìn bàn thờ ba lại nhớ ba. Em cũng nhìn đó để cố gắng hơn. Em cũng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn cùng mẹ, em mong sau này có thể lo được cho mẹ”, Huy chia sẻ.
Có thêm một người “mẹ”
Quỳnh Như, Minh Hân, Gia Huy, chỉ là 3 trong số 6 đứa trẻ ở phường 14, Quận 10, TP.HCM được chị Lâm Quỳnh Hoa nhận làm mẹ đỡ đầu. Chị Hoa kể, hơn một năm trước, thời điểm dịch mới đi qua, người thân mất do COVID-19, "các con" chị hầu hết đều là những trụ cột trong gia đình.
Cảm thấy thương và được sự ủng hộ từ gia đình đến chính quyền địa phương nơi chị sinh sống, chị Hoa quyết định nhận làm mẹ đỡ đầu của các con. Chị Hoa cũng gặp nhiều khó khăn từ việc ổn định tinh thần cho các bà mẹ hoà nhập với thực tế hoàn cảnh của gia đình, đến việc quan tâm, chăm lo cho các con tâm sinh lý, học hành, giống như con ruột của mình.
“Khi mà tôi bắt đầu giúp đỡ các con, như một bản năng tự nhiên, thấy các con tội nghiệp thì mình giúp thôi. Mình cứ như vậy chứ tôi không nghĩ mình có điểm dừng, tại vì người lớn mình gặp mình còn giúp nữa là các con. Thì điểm dừng tôi nghĩ là không có mà tôi sẽ đồng hành cùng các con trong suốt cuộc sống này”, chị Hoa xúc động nói.
Trải qua hơn 1 năm, là người chứng kiến sự thay đổi của cả 6 người con, chị Hoa tự hào khi đến thời điểm này, các con của chị đều đã thay đổi theo hướng tích cực và trưởng thành hơn trước.
"Các bé thay đổi rất nhiều, nụ cười của các con đã quay trở lại và các con biến sự mất mát thiếu vắng thành động lực để quyết tâm học thật tốt để sau này đi làm thành người kiếm tiền nuôi mẹ, báo hiếu với mẹ. Đó là điều tôi rất mừng. Mặc dù từ mất mát đâu thương, mà các con đã có sự quyết tâm đó, trưởng thành trước tuổi mình cũng thương nhưng cũng cảm thấy vui vì các con đã biến sự mất mát của mình thành động lực mục tiêu để vươn lên trong cuộc sống”, chị Hoa cho biết.
Những đứa trẻ giờ đây, ngoài gia đình, các em còn có thêm gia đình thứ hai của mẹ Hoa, lúc nào cũng mở rộng cửa để đón các con. Và cùng nhờ những người như chị Hoa hay các bà mẹ đỡ đầu khác, những đứa trẻ mồ côi vì COVID-19 lại có thêm hy vọng về tương lai.
Một năm dịch qua đi, nỗi buồn mất đi người thân của những đứa trẻ mồ côi vì COVID-19 vẫn còn đó. Nhưng hơn hết đó là sự nỗ lực của mỗi gia đình, mỗi đứa trẻ, cố gắng vượt qua nỗi đau để đi về phía trước. Cùng với đó là sự vào cuộc của nhiều cơ quan đơn vị đồng hành để tiếp thêm sức mạnh và hy vọng cho các em, để không một ai bị bỏ lại phía sau./.