Chương trình do Câu lạc bộ Đọc sách cùng con và Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức sáng 10/9 tại Hà Nội. 

Niềm vui rạng ngời trên khuôn mặt các em thiếu nhi thủ đô khi tự tay cắt dán tạo hình rồng, cá chép bằng giấy và thỏ ngọc từ cốc:

"Con tên là Đào Trần Tuệ Minh, học sinh lớp 2E trường Tiểu học Kim Liên, con đang làm con rồng có đầu, thân, đuôi, mắt, chân tay. Con thấy trò chơi này rất vui, con học thêm những điều thú vị về hình khối, hình trụ và các hình kỳ diệu khác để làm nên con rồng".

"Em là Đặng Vũ Nam ạ, hôm nay em hướng dẫn các con làm con rồng đèn trung thu ạ".

"Em là Trần Đăng Khôi, em đang làm thỏ ngọc từ hộp giấy và ống mút".

"Để làm một cô thỏ ngọc xinh xinh thế này thì mất bao nhiêu thời gian?" "Mất 5 phút thôi ạ. Em lấy bấm để bấm 2 bên tay, phía dưới thì cho ống mút như thế này, đầu thỏ do các em tự vé dán tự thiết kế rồi dính vào như thế này thôi".

Cô giáo Bùi Hương Liên, giáo viên của câu lạc bộ Đọc sách cùng con cho biết: "Ngoài việc tiếp xúc với các nhân vật qua trang sách, các bạn ấy có thể hiện thực hoá nó qua các vật dụng hàng ngày và có thể cầm nắm. Một phần là nhân vật thỏ ngọc đã gắn bó với trung thu và các bạn thiếu nhi cũng từng biết thỏ ngọc qua hình ảnh với chị Hằng Nga. Nhưng mà trong cuốn sách Bo và Be các bạn ấy biết thêm rất nhiều thông tin hay về một chú thỏ khác nữa".

Nhà văn Lê Phương Liên đã chia sẻ với chúng tôi là để trẻ bắt đầu từ những trò chơi như thế này sẽ gợi trí tò mò, thôi thúc các em tìm hiểu về giá trị văn hoá của ngày Tết trung thu cũng như những ngày lễ truyền thống của dân tộc với các nước:

"Những cuộc tổ chức vui chơi cho các em như thế này sẽ làm cho các em có tinh thần muốn khám phá để tìm xem con thỏ của Việt Nam, con thỏ của châu Á với con thỏ của phương Tây giống và khác nhau ở chỗ nào. Đấy là điều chúng ta cần kích thích, dạy cho các em khám phá. Các em còn có thể tìm sự tương đồng kể cả Chú Cuội và Chị Hằng trong truyện cổ tích các nước khác", nhà văn Lê Phương Liên nói./.