Thông tin từ Bộ LĐTBXH cho thấy, ở nước ta, mỗi tháng vẫn còn khoảng 580 trẻ em và những người chưa đến tuổi thành niên bị tai nạn thương tích. Trong đó, cứ mỗi tháng, lại có khoảng 18 trẻ em vĩnh viễn ra đi vì các loại tai nạn, trong đó tỷ lệ chết do đuối nước chiếm hàng đầu.
“Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em” là chủ đề của Tháng hành động Vì trẻ em 2016, với mục đích nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và trẻ em trong việc phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nhằm kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông.
Hiện trường vụ tai nạn thương tâm tại Quảng Ngãi khiến 9 em nhỏ chết đuối ngày 15/4 (Ảnh: CTV Nguyệt Ánh) |
Cha mẹ chủ quan, con gặp nạn
Theo Bộ LĐTBXH, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 3.500 trẻ bị chết đuối, nghĩa là có khoảng 9 trẻ tử vong do đuối nước mỗi ngày. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, bà cảm thấy xót xa khi tháng nào cũng nghe rất nhiều thông tin đau lòng về việc trẻ em chết do đuối nước, tai nạn giao thông… Đặc biệt, trẻ em chết vì đuối nước có xu hướng tăng lên, điển hình là vụ 9 em học sinh tiểu học chết đuối trên sông Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 15/4 vừa qua.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em Việt Nam (Bộ LĐTBXH) thừa nhận: “Công tác truyền thông, giáo dục tới gia đình, các bậc cha mẹ về bảo vệ và chăm sóc trẻ em đã được tiến hành rất nhiều, với đủ mọi biện pháp. Tuy nhiên, từ nhận thức đến thay đổi hành vi thành kỹ năng sống, kỹ năng chăm con, kỹ năng bảo vệ an toàn cho con hàng ngày vẫn chưa thực sự chuyển biến có hiệu quả”.
Để trẻ bị tai nạn, thương tích, ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh vai trò của gia đình, sự quan tâm của bố mẹ. Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em Việt Nam dẫn chứng, rất nhiều bậc phụ huynh, thậm chí ở Hà Nội và TP HCM, khi đưa con đến trường vẫn chủ quan cho rằng đi đoạn ngắn thì không nhất thiết phải đội mũ bảo hiểm cho con; thậm chí để con đứng trước xe máy, ngồi đằng trước mà không dùng đai an toàn.
“Nhận thức xã hội của các bậc cha mẹ không phải là thấp. Họ được tiếp cận thông tin rất đầy đủ, nhưng tại sao vẫn để tình trạng mất an toàn như vậy? Phải chăng chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ?, chỉ hoảng sợ khi sự việc đáng tiếc đã xảy ra. Các bậc cha mẹ cần nhận thức được những kỹ năng này, đặc biệt kỹ năng giám sát con cái. Mùa hè, khi các em rời nhà trường thì vai trò chính là gia đình. Cha mẹ và gia đình cần giám sát được các em, lơ là một chút thôi là tai nạn có thể xảy ra” – ông Đặng Hoa Nam khuyến cáo.
Cần quy trách nhiệm khi trẻ gặp nạn
Thực tế cho thấy, từ hiểu biết đến hành động, tạo thành kỹ năng bảo vệ và chăm sóc con nhỏ của các bậc phụ huynh vẫn còn khoảng cách. Theo các chuyên gia, cần nhấn mạnh trách nhiệm của cha mẹ, gia đình khi tai nạn, thương tích xảy ra đối với trẻ em. Luật Trẻ em 2016 cũng nhấn mạnh cha mẹ, gia đình là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm trước những thiệt hại của con mình.
Điều quan trọng là đừng để xảy ra tai nạn mới hối tiếc, mà kỹ năng phòng ngừa của các bậc cha mẹ về an toàn cho trẻ em nói chung, trong đó có tai nạn, thương tích, cần được đẩy mạnh; phải chuyển từ nhận thức đến hành vi, tạo thành thói quen.
Người mẹ này đèo 2 con nhỏ trên xe máy nhưng vẫn vượt đèn đỏ |
Bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH khẳng định sự quan tâm của bố mẹ đối với các con là rất quan trọng. Thứ trưởng Đào Hồng Lan dẫn chứng, nhiều trường hợp trẻ em chết đuối do bố mẹ, ông bà chủ quan, lơ là. Ông đi trước, cháu đi sau, về đến nhà quay lại không thấy cháu đâu vì bé đã sảy chân xuống ao; có người tắm cho con, để bé ngồi trong chậu, vào nhà lấy quần áo quay ra thấy con đã sặc nước…
“Nếu không có sự quan tâm của bố mẹ, gia đình thì chúng ta không có vận động viên nổi tiếng là Ánh Viên. Tôi được biết sở dĩ Ánh Viên bơi giỏi vì ngay từ 5 tuổi, ông nội của cô thấy nhà sông nước xung quanh, sợ mất an toàn nên mới dạy bơi cho cháu. Từ đó mới phát hiện ra tài năng, năng khiếu để tiếp tục bồi dưỡng. Cho nên vấn đề nhận thức của mỗi gia đình, việc trang bị kiến thức, ý thức phòng ngừa đuối nước là hết sức quan trọng” – Thứ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Ông Đặng Hoa Nam cũng nhấn mạnh, đã đến lúc phải quy trách nhiệm của cha mẹ, cũng như những tổ chức, cá nhân liên quan khi có sự việc đáng tiếc liên quan đến trẻ em xảy ra. Ví dụ trong trường hợp đuối nước, cần phân định rõ trách nhiệm thuộc về ai, ai là người chịu trách nhiệm chính? Có vụ đuối nước do trẻ sa chân xuống hố công trình xây dựng không rào chắn, không cảnh báo hoặc chủ công trình không chịu lấp, thì phải quy trách nhiệm rõ ràng và xử lý nghiêm.
Ông Nam đề nghị: “Chúng ta phải xử lý rốt ráo với những hành vi vô trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng như vậy. Cần áp dụng tối đa pháp luật và phải xử lý một vài vụ để làm điểm, điều tra cho rõ và xử lý nghiêm trách nhiệm của người liên quan để làm gương”./.