Chương trình sẽ có tổng cộng 52.560 đầu sách được trao đến thư viện của 50 trường tiểu học thuộc 5 huyện ngoại thành gồm huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ và thư viện các quận huyện, phường xã, địa phương. 

Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch hội Xuất bản Việt Nam cho biết, mô hình thư viện này được sắp xếp với các tựa sách thuộc “Danh mục Sách khuyến nghị hỗ trợ dạy và học cấp Tiểu học” của hơn 30 đơn vị xuất bản với sự tư vấn, chọn lọc, nhận xét của hơn 50 giáo viên thuộc các trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM. Tại các thư viện, việc sắp xếp sách theo từng chủ để cũng giúp cho học sinh và giáo viên thuận lợi trong việc tìm và dạy học của mình. Đồng thời đây là những cuốn sách với các chủ đề khám phá khoa học, lịch sử, địa lý, toán học,...nhân cách, lối sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử,… kết hợp với hình ảnh, tranh vẽ phong phú, kiến thức gợi mở, phù hợp với học sinh theo từng lứa tuổi.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, việc quan tâm đến sự phát triển của thế hệ trẻ là một nhiệm vụ quan trọng nhất của TP.HCM. Trong đó, học tập đi kèm với văn hoá đọc. Việc sử dụng thư viện hiệu quả cũng tạo nên một ngôi trường tốt. Các trường trên địa bàn thành phố cần khôi phục lại phong trào đọc sách, tìm hiểu sách, học sinh được hướng đến việc yêu và tìm hiểu, rèn luyện nhân cách con người thông qua sách. TP.HCM hiện nay cũng đang tập trung vào việc phát triển văn hoá đọc. 

"Chúng tôi mong muốn rằng trong thời gian tới sớm mở rộng đến tất cả các ngôi trường của TP.HCM. Thành phố sẽ huy động tất cả những nguồn lực có thể để sớm biến chương trình này thành hiện thực. Một trong những mục tiêu rất lớn của thành phố là xây dựng và phát triển văn hoá đọc tại TP.HCM, biến TP.HCM trở thành thành phố có văn hóa đọc phát triển nhất Việt Nam", ông Dương Anh Đức nói.

Chị Nguyễn Thị Trang, phụ huynh có con học lớp 1 tại trường Tiểu học Lê Quý Đôn (huyện Bình Chánh) cho rằng, việc phát triển những thư viện với các đầu sách hấp dẫn sẽ giúp các con có thể tránh xa được những thiết bị điện tử. Chị Trang cho biết: “Nếu có thư viện này thì rất tốt cho các bé, các con có thể tiếp cận được các chương trình kiến thức trong giờ học, ngoài ra con có thể giao lưu với các bạn, có những kiến thức mà các bé muốn tìm hiểu, tự tìm hiểu để các con có thể hiểu rõ hơn".

Em Nguyễn Tuyết Mai, học lớp 2 là một trong số những học sinh đầu tiên được trải nghiệm đọc sách tại thư viện cho biết, những cuốn sách ở đây có các câu chuyện rất hay và ý nghĩa. Mai mong muốn em có nhiều thời gian để đến thư viện nhiều hơn: “Con cảm thấy sách rất hay, con đọc cuốn sách này con cảm thấy nhớ đến bà của con. Con mong muốn được đến thư viện để đọc truyện".

Dịp này, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (huyện Bình Chánh) cũng tổ chức lễ khánh thành đưa vào sử dụng 30 phòng học và đồng thời tổ chức khai giảng năm học mới 2022-2023./.