Tính đến ngày 19/8, TP.HCM có 47.218 ca F0 cách ly, điều trị, chăm sóc tại nhà, trong đó có 18.943 trường hợp cách ly tại nhà ngày từ đầu và 28.275 trường hợp F0 sau xuất viện. Để tháo gỡ áp lực quá tải, kịp thời cứu chữa F0 ngoài cộng đồng, TP.HCM cho biết sẽ tăng cường thực hiện nhiều giải pháp để đáp ứng điều trị và kết nối hỗ trợ, chăm sóc cho bệnh nhân cách ly tại nhà. 

Nỗ lực cấp cứu cho F0 tại nhà

Điện thoại đường dây nóng của bác sĩ Lê Bá Kông, Trưởng Trạm y tế phường Bình Chiểu, TP.Thủ Đức, TP.HCM reo liên tục, ngay cả khi bác sĩ đang hỗ trợ tư vấn, khám sàng lọc tại điểm tiêm vaccine. Vừa xử lý thông tin từ F0, sắp xếp công việc, điều phối nhân viên đi hỗ trợ F0, bác sĩ Kông vừa cho biết, y tế phường đảm nhiệm rất nhiều công việc nên có thể xảy ra trường hợp cuộc gọi báo bận, khiến một số người bức xúc vì không liên lạc được. Tuy nhiên, khi cần thiết, người dân có thể gọi nhiều lần đến trạm y tế và trạm cố gắng hỗ trợ hết sức có thể.

Ngay đêm qua, đội phản ứng nhanh của phường Bình Chiểu đã kịp thời cấp cứu một trường hợp F0 khó thở nặng và chuyển lên tuyến trên. Đáng nói là người này có triệu chứng sốt ho trước đó, nhưng trong nhà trang bị bình tạo khí oxy nên không khai báo tình trạng bệnh. Chủ quan vì cho rằng bình còn nhiều oxy nên khi hết oxy và khó thở nặng mới gọi y tế địa phương. Lúc này, bệnh nhân đã có chỉ số oxy trong máu (SpO2) là 79- mức rất thấp, sốt 39 độ. Sau nửa tiếng sơ cứu cho bệnh nhân, các chỉ số dần ổn định, đội liên hệ với tuyến trên để chuyển bệnh và phải chuyển bằng xe taxi đưa F0 đi bệnh viện chứ không chờ xe cấp cứu. Bác sĩ Lê Bá Kông cho biết, trong phường, mỗi ngày có từ 3-5 F0 được đưa đi cấp cứu. 

"Bây giờ trạm cũng có triển khai túi cấp cứu, cũng khuyến cáo họ mua máy đo SpO2, nhưng giờ mua khó, nên nếu trạm có sẵn thì cung cấp cho họ luôn rồi được điều phối qua từ từ. Về nhân lực y tế, trạm cũng còn hạn chế, không thể đi lại hàng ngày mà chỉ thăm khám qua điện thoại thôi"- BS Kông cho biết.

Trước tình trạng các bệnh viện quá tải, nhiều trường hợp được phát hiện và nhập viện muộn, rơi vào tình trạng nặng không kịp xử lý, TP.HCM đã khẩn trương lập 312 tổ phản ứng nhanh cấp cứu F0 cách ly tại nhà trên tất cả các phường, xã thị trấn và công bố số điện thoại để người dân tiện liên lạc khi cần. Nhiều địa phương tại TP.HCM đã triển khai chương trình túi sức khỏe cho các F0, kịp thời hỗ trợ cho nhiều người bệnh đang điều trị tại nhà.

Quản lý, điều trị F0 tại nhà – Không dễ

Bác sĩ Lâm Phước Trí, Trưởng trạm y tế phường Tân Quý, quận Tân Phú cho biết, do có sự chọn lọc, nên những ca chuyển nặng không nhiều. Một số F0 là do người dân tự test phát hiện dương tính, sau đó báo lên y tế địa phương, nếu không có triệu chứng thì được dặn dò theo dõi sức khỏe tại nhà, hẹn 14 ngày sau test lại. Phường này cũng đã có các túi sức khỏe được đoàn thanh niên, dân quân tự vệ phát từng nhà F0. 

"Thường những người triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng thì sốt mình sẽ cho hạ sốt, có đờm thì cho uống long đờm, hoặc tăng cường sức khỏe thì vitamin C, Multivitamin. Còn thuốc đặc trị hoặc thuốc kháng viêm, kháng đông, bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng tức ngựa, khó thở, nhịp thở nhanh, tức là mình thấy bệnh nhân có khả năng chuyển nặng thì bác sĩ ra chỉ định"- BS Lâm Phước Trí cho biết.

May mắn hơn, phường Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức có 700 ca F0, đã được đưa đi theo phân tầng điều trị. Phường cũng có 2 khu thu dung F0 có thể tiếp nhận cùng lúc 300 người, vì vậy hiện nay không còn tình trạng quá tải F0. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND phường cho biết, do đã đưa các trường hợp F0 chuyển biến nặng lên tuyến trên, hiện tại địa phương còn cách ly 12 trường hợp. Trên địa bàn cũng tập hợp được nhiều y bác sĩ nghỉ hưu, giúp tư vấn hỗ trợ kịp thời cho F0 trong quá trình điều trị, theo dõi sức khỏe tại nhà. 

"Đặc biệt là những thời điểm có đông người bị thì phải quản lý rất khó. Phải sàng lọc rất kỹ những trường hợp F0 để cho cách ly tại nhà. Nếu phát hiện trường hợp nào có dấu hiệu mà không tuân thủ thì tuyệt đối không để cách ly tại nhà"- ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, 57 tuổi, vợ của một F0 58 tuổi được cách ly tại nhà ở phường Hiệp Bình Chánh cho biết, sau 3 tuần được cách ly, sức khỏe F0 bình thường, xét nghiệm lại cho thấy chỉ số tải lượng virus thấp, ở mức 33 (CT ≥ 30). Tuy nhiên, vợ chồng bà vẫn tuân thủ nghiêm ngặt việc cách ly. Qua quá trình chăm sóc chồng mắc Covid-19, bà Thúy cho rằng yếu tố tâm lý của F0 rất quan trọng khi ở nhà. 

"Điều quan trọng là không lo lắng, không nghĩ quá nhiều. Những ngày đầu tiên tôi khóc, chồng tôi khuyên nhủ phải thật bình tĩnh. Mỗi lần 2 vợ chồng gọi video call nói chuyện thì đều động viên, chồng tôi cũng cảm thấy ở nhà thoải mái. Mỗi ngày đều đo nhiệt độ, chỉ số oxy"- bà Thúy chia sẻ.

Đến nay, Sở Y tế TP.HCM đã cập nhật “Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0”, bổ sung đến phiên bản 1.3. Đáng chú ý, Sở Y tế TP.HCM đã cung cấp hướng dẫn toa thuốc điều trị Covid -19 tại nhà dành cho người từ 18 tuổi trở lên, nếu bệnh nhân có cảm giác khó thở, đo SpO2 dưới 95% nhưng chưa liên hệ được nhân viên y tế thì sử dụng. TP.HCM cũng vừa lên phương án lập Trạm y tế lưu động theo chỉ đạo của Bộ Y tế, trước mắt tiếp tục quản lý F0, hỗ trợ, tư vấn, điều trị F0 tại nhà, hỗ trợ chuyển đi cấp cứu. Hiện thành phố đang chuẩn bị 400 trạm và hướng tới 1.000 trạm thời gian tới./.