Kiểm soát bằng tinh thần, trách nhiệm

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh – Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT), lỗ hổng lớn nhất trong kiểm soát an toàn thực phẩm, đó là Luật An toàn thực phẩm không quy định phải áp dụng quy trình Vietgap, Globalgap. Luật Thương mại cũng không bắt buộc rau củ quả, hàng tươi sống phải có nhãn mác và truy xuất nguồn gốc.

Điều này khiến công tác kiểm soát an toàn thực phẩm đầu cuối khó có thể thực hiện một cách triệt để. Tâm lý chung của người tiêu dùng mong muốn hàng Việt rõ ràng trong nhãn mác, thông tin về sản phẩm, hướng tới áp dụng các phương án truy xuất hiện đại, các loại bao bì cần đa dạng, thân thiện với môi trường…

Có như vậy, hàng Việt mới không bị “quay lưng” ngay ở trên sân nhà. Bà Minh cho rằng, việc kiểm soát đầu vào thực phẩm phải được thực hiện bằng tinh thần trách nhiệm, thực chất ngay từ cửa khẩu, cảng đến các siêu thị chợ đầu mối…

"Khi có sự cố mới truy xuất thì làm sao khoanh vùng được lô hàng. Việc truy xuất phải thường xuyên mỗi ngày. Ví dụ như vụ pate Minh chay, nếu có truy xuất thường xuyên thì hoàn toàn có thể khoanh vùng được lô hàng đó ngày nào bán đi đâu. Lô hàng bị nhiễm, gây sự cố đó là thu hồi lại đúng lô hàng đó thôi", bà Minh nói.

Nhiều ý kiến tại tọa đàm cho rằng, những thông tin gây rúng động dư luận “rau sạch dỏm” biến hình thành sản phẩm VietGap để trong siêu thị vừa qua càng làm cho người tiêu dùng mất niềm tin. Đây là hành vi thiếu trung thực của một vài đơn vị cung ứng và thương mại thực phẩm. Ý kiến tại tọa đàm bày tỏ sự lo ngại về việc kiểm soát đầu vào của các đơn vị phân phối thương mại thực phẩm, trách nhiệm của cơ quan chức năng.

Giải pháp hiệu quả là kiểm soát từ khâu sản xuất

Theo ông Trần Nguyên Chí, Giám đốc Công ty Nông sản bền vững Nguyên Lộc, hiện nay người nông dân, nhà sản xuất đang “tự bơi”, tự đầu tư từ kỹ thuật đến khâu tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt với áp lực cạnh tranh về giá dẫn đến chuyện sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và nhất là khâu an toàn thực phẩm không được chú trọng.

"Vậy thì có cách nào giúp cho bà con liên kết lại và có quy trình sản xuất chung và giải quyết những vấn đề cùng bán chung từ đó giúp họ làm chủ quy trình công nghệ, tự đảm bảo được cuộc sống thì sẽ yên tâm sản xuất, chú trọng chất lượng không phải lăn tăn phun thuốc sâu gì rồi bán cho ai. Còn hiện nay cái gì cũng phải “tự bơi” nên cứ rẻ kinh tế thì bà con họ vẫn cứ làm", ông Chí nói.

Bà Lâm Thúy Ái, Phó Chủ tịch Thường trực Câu Lạc bộ Doanh nhân Tiền Giang tại TP.HCM- Chủ tịch HĐTV Công ty Sản xuất – Thương mại MEBIPHA cho rằng: Trước những lỗ hổng trong kiểm soát đầu vào gây khó cho kiểm soát sản phẩm cuối cùng thì giải pháp hiệu quả nhất là tăng cường kiểm soát từ khâu sản xuất bằng những quy chuẩn, quy trình canh tác.

"Thường là người nông dân người ta sản xuất ra thì phải qua ít nhất 2 kênh trung gian nữa mới tới được siệu thị và các kênh bán lẽ. Từ đây mới tới được người tiêu dung. Thì đó cũng là trăn trở của những người nông dân. Và ở thị phần rau củ quả cũng vậy, nếu chúng ta có sự cam kết lẫn với nhau, đảm bảo cho người dân có kênh tiêu thụ ổn định, sống được với nghề thì họ mới sản xuất sản phẩm sạch cho mình", bà Lâm Thúy Ái cho biết./.