Phát biểu khai mạc, Thượng tọa Thích Thiện Quý, Phó Trưởng Ban Văn hóa, kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM cho biết,  năm qua, các Tăng, Ni, Phật tử cả nước đã đoàn kết cùng nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước thực hiện hiệu quả các chương trình phòng, chống dịch bệnh Covid-19, hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại nặng do thiên tai bão lũ. Qua đó tiếp tục khẳng định sự đồng hành của Phật giáo Việt Nam cùng san sẻ, gánh vác những khó khăn, thách thức của dân tộc.

Theo Thượng tọa Thích Thiện Quý, lễ hội Phố ông Đồ “Xuân bình an” không chỉ là dịp tái hiện nét văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại mà còn là sự mong muốn của Phật giáo Việt Nam về tình đoàn kết giữa các tôn giáo, các cộng đồng dân tộc, tạo nên sức mạnh của toàn dân, cùng thống nhất ý chí phòng, chống dịch Covid-19, mang lại cuộc sống bình an và thành công trong năm mới Tân Sửu.

 

Lễ hội Phố ông Đồ “Xuân bình an” diễn ra từ ngày 7/2 (26 tháng Chạp Canh Tý) đến 26/2 (Rằm tháng Giêng Tân Sửu) nhằm tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống đón xuân, tặng chữ của những ông đồ xưa, lưu truyền nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc.

Được thiết kế trong không gian tâm linh Phật giáo của Việt Nam Quốc tự, Phố ông Đồ mang đến không khí đón Xuân hòa quyện tinh túy văn hóa truyền thống dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam. Các ông đồ là những nhà thư pháp có uy tín, chuyên nghiệp trong trang phục áo dài, khăn đóng thể hiện các câu thơ, lời chúc, câu đối Tết bằng thư pháp chữ quốc ngữ trên chất liệu giấy dó, lụa, laminate, đá…

Mọi người đến tham quan Phố ông Đồ “Xuân bình an” đều bắt buộc phải tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn…/.