Chủ trương của UBND TP.HCM, từ nay đến năm 2025 sẽ “phủ sóng” đường sách trên địa bàn thành phố. Theo đó, mỗi quận, huyện sẽ có ít nhất 1 đường sách. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, trước mắt cần thí điểm mở đường sách liên quận hoặc có thể phát triển thư viện thành không gian như một đường sách để hoạt động này mang lại hiệu quả cao. 

Nhân rộng mô hình Đường sách TP.HCM đến các quận, huyện trên địa bàn thành phố, nhằm giúp cho người dân thuận lợi trong việc hưởng thụ văn hóa đọc là một trong những mục tiêu của lãnh đạo thành phố. Trong đó đơn vị chủ trì triển khai chuỗi hoạt động này là Sở Thông tin và Truyền thông.

vov_267_su_kien_giao_luu_tac_gia_tac_pham_trong_vong_2_nam_da_gop_phan_mang_lai_su_thanh_cong_cho_duong_sach_tphcm_vgly.jpg
Sự kiện giao lưu tác giả, tác phẩm trong vòng 2 năm đã góp phần mang lại sự thành công cho Đường sách TPHCM
Theo kế hoạch, trong năm 2018 sẽ tiến hành triển khai thêm Đường sách Nguyễn Đổng Chi tại Quận 7, Đường sách khu vực Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM tại quận Thủ Đức, Đường sách Phạm Huy Thông tại quận Gò Vấp, Đường sách quận Tân Phú và Đường sách tại công viên Âu Lạc (Quận 5).

Bà Quách Thu Nguyệt, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Đường sách TP.HCM cho rằng, việc định vị địa điểm phù hợp để xây dựng không gian văn hóa đọc là một trong những yếu tố thành công thu hút khách tham quan, công chúng đến với văn hóa đọc. Đây cũng là điều cần lưu ý khi xây dựng đường sách, phố sách, vườn sách, công viên sách của các nơi.

“Phát triển đường sách không có nghĩa là bê nguyên mô hình đường sách TP.HCM mà phải chú ý đến yếu tố đặc thù của người địa phương. Tôi nghĩ rằng cái khó hiện nay nếu như chú ý đến việc phát triển đồng loạt các đường sách ở các tỉnh thành, hoặc thậm chí là riêng tại địa bàn TP.HCM mong muốn là mỗi một quận, huyện có một đường sách thì tôi cho rằng đó là một ý tưởng có lẽ hơi lạc quan”, bà Nguyệt nói.

Với kinh nghiệm 2 năm điều hành hoạt động Đường sách Nguyễn Văn Bình, bà Nguyệt có ý kiến thêm, Sở Thông tin - Truyền thông cần cân nhắc kỹ trong việc lên kế hoạch phủ sóng đường sách tại các quận, huyện, vì đó là việc làm không hề đơn giản. Bà Nguyệt đề xuất, trước mắt nên xây dựng khung văn hóa đọc trên cơ sở phát triển và thay đổi chức năng của các thư viện, làm sao đưa thư viện đến với người đọc thông qua các hoạt động như một đường sách.

Ông Lê Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Đường Sách TP.HCM, người được xem là linh hồn của Đường sách TPHCM cho rằng: “Đấy là một không gian văn hóa đọc, một nơi không chỉ để bán sách mà còn là một nơi đầy sức sống của những hoạt động nhằm khuyến đọc, những hoạt động nhằm phát triển văn hóa đọc, phát triển nghề như là các hoạt động giao lưu, gặp gỡ, những sự kiện văn hóa, nghệ thuật nói chung. Rất nhiều các hoạt động bên cạnh sách”. 

Những buổi ra mắt sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trên Đường sách TPHCM đã thu hút đông đảo học sinh sinh viên
Với quan điểm của ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc Nhà xuất bản trẻ, sự chấp thuận chủ trương của lãnh đạo thành phố, tìm được địa điểm phù hợp là yếu tố đủ để xây dựng đường sách. Nhưng để một đường sách hoạt động có hiệu quả, thực sự hấp dẫn và thu hút khách, đúng như phương châm của ông Lê Hoàng thực không dễ. 

Ông Nhựt đề cao vai trò cá nhân trong việc vận hành một đường sách: “Có nhiều yếu tố chủ quan lẫn khác quan khác nhau, nhưng theo tôi yếu tố có tính chất quyết định đó là những con người tổ chức thực hiện và điều hành đường sách, đó phải là những người mê sách, thực sự am hiểu về sách. Chính từ những niềm đam mê đó người ta mới có thể tập hợp được những ý tưởng và tổ chức được nhiều hoạt động của đường sách”.

Trong Hội nghị sơ kết 2 năm hoạt động Đường sách TP.HCM diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu khẳng định, việc phủ sóng đường sách tại các quận huyện trên địa bàn thành phố là một việc làm khá khó khăn so với thực tế. Trước mắt, bà Thu yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông nên có một khảo sát cụ thể để tham mưu cho lãnh đạo thành phố trong vấn đề này. 

Theo bà Thu, có nhiều phương án để triển khai: Mở đường sách liên quận thông qua việc tìm địa điểm hợp lý thu hút khách từ nhiều quận, huyện lân cận, hoặc nâng cấp thư viện huyện, quận lên thành một không gian văn hóa đọc hoạt động như một đường sách.

“Mình ra tràn lan thì cũng rất khó là bởi vì sao? Mỗi một địa bàn sẽ có một đối tượng hưởng thụ văn hóa khác nhau và tiếp cận với văn hóa khác. Cho nên muốn hình thành đường sách thì Sở Thông tin và Truyền thông cũng phải lưu ý, phải nghiên cứu kỹ đối tượng nơi đó. Nếu làm đường sách phải xem loại sách gì, mô hình tổ chức nơi đó như thế nào để thu hút được bạn đọc, người đến xem, người dân đến đây để đọc sách, mua sách” - bà Thu nói.

Đường sách TP.HCM đã và đang góp phần làm cho diện mạo thành phố ngày càng đẹp. Kết quả sau 2 năm hoạt động, Đường sách TP.HCM có doanh thu gần 67 tỉ đồng, thu hút hơn 2,5 triệu lượt khách đến tham quan. Rõ ràng sự ra đời của Đường sách TP.HCM bước đầu thõa mãn nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân thành phố.

Tuy nhiên, để các đường sách tiếp theo ra đời gặt được thành công như Đường sách TP.HCM, cần có sự tính toán kỹ lưỡng, để mỗi địa chỉ đường sách thực sự trở thành một môi trường hữu ích, hấp dẫn người dân thành phố./.