Theo báo cáo của UBND T hành phố Hồ Chí Minh, tính đến ngày 23/12, hai cơ sở xã hội Bình Triệu và Nhị Xuân đã tiếp nhận 1.320 người nghiện ma túy lang thang, trong đó cơ sở Bình Triệu tiếp nhận 432 người, cơ sở Nhị Xuân tiếp nhận 888 người. Qua sàng lọc, xác định được tình trạng nghiện hơn 1.050 người, trong đó có hơn 410 người sử dụng ma túy tổng hợp (ma túy đá). Tại cơ sở xã hội Nhị Xuân, sáng 23/12, các cơ quan chức năng đã tổ chức phiên họp xét xử 11 người nghiện ma túy ở quận 3. Phiên họp diễn ra đúng theo quy định gồm có Thẩm phán, đại diện phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận, Thư ký tòa và đại diện Viện Kiểm sát. Kết quả, 11/11 người nghiện được Tòa án ra phán quyết đưa đi cai nghiện bắt buộc ở Trường Giáo dục đào tạo và Giải quyết việc làm số 3 thuộc lực lượng Thanh niên Xung phong Thành phố Hồ Chí Minh, đóng tại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Đây là những người nghiện lang thang đầu tiên được đưa đi cai nghiện bắt buộc theo Luật xử lý hành chính và thực hiện triển khai Đề án quản lý cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định của UBND Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 5/12 vừa qua. Trong khi đó, Cơ sở xã hội Bình Triệu cho biết đã chuyển hơn 100 hồ sơ về các quận, huyện tổng hợp. Tòa án nhân dân các quận 9, Gò Vấp và Bình Thạnh hẹn lịch xét họp đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Dự kiến ngày 29/12 sẽ diễn ra phiên họp đầu tiên của Tòa án nhân dân quận Gò Vấp. Nhằm động viên và kiểm tra công tác chăm sóc, điều trị cắt cơn cho người nghiện lang thang, ngày 23/12, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đến thăm và động viên đội ngũ cán bộ, y bác sỹ cũng như các học viên đang nghiện ma túy tại Cơ sở xã hội Nhị Xuân và Bình Triệu. Với những liệu pháp trong cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý, phục hồi, chăm sóc sức khỏe cho người nghiện ma túy có lồng ghép điều trị Methadone, liên thông xét nghiệm, điều trị ARV…, đến nay, đa phần các học viên đã hết biểu hiện lên cơn nghiện . Hiện người nghiện tại cơ sở xã hội có chế độ ăn theo quy định là 40.000 đồng/ngày, chia thành 3 bữa đảm bảo dinh dưỡng để người cai nghiện phục hồi sau thời gian sử dụng các chất gây nghiện. Ngoài ra, trong những ngày tại khu vực cắt cơn, giải độc, đơn vị tổ chức thêm bữa ăn sau 20 giờ để người bệnh có sức khỏe, phục hồi sau cắt cơn. Vật dụng cá nhân như quần áo, kem đánh răng, đồ dùng cá nhân của người nghiện được trang bị đầy đủ. Sau 15 ngày vào cai nghiện, cơ sở sẽ tổ chức cho thân nhân đến thăm . Giám đốc Cơ sở xã hội Nhị Xuân Bùi Thanh Tuấn cho biết: Đến nay, đơn vị đã lập thủ tục gặp cho trên 350 người cai nghiện (ngày 24/12 bắt đầu tổ chức thăm gặp các ngày thứ 4, 5, 6 hàng tuần). Còn theo ông Lê Bá Hoàng, Giám đốc Cơ sở xã hội Bình Triệu, ngoài việc thảo luận với từng người nghiện ma túy về kế hoạch điều trị phù hợp nhất với hoàn cảnh và điều kiện của từng người, điều cần nhất là thực hiện liệu pháp tâm lý cá nhân giúp người nghiện tháo gỡ vướng mắc, lo lắng về gia đình, sức khỏe, bệnh tật. Song song đó, cơ sở cũng thực hiện liệu pháp tâm lý nhóm: tổ chức người nghiện ma túy thành từng nhóm như: nhóm cùng hoàn cảnh, nhóm cùng tiến bộ... /.