Theo Quyết định số 12 của UBND TPHCM, kể từ ngày 1/6, người dân trên địa bàn thành phố bắt đầu phân loại rác, sử dụng thiết bị lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt.

Tuy nhiên, do chưa được triển khai đồng bộ, đa số người dân thành phố chưa chủ động mua sắm phương tiện để phân loại rác ngay tại nhà, thậm chí nhiều người chưa biết phân loại rác thế nào.

phan_loai_rac_vov_nqlm.jpg
Người dân để rác trước cửa nhưng không phân loại.

Gia đình bà Lê Thị Hồng Linh ở khu phố 1, phường 13, quận Phú Nhuận bán hàng phở nhiều năm nay. Do là hộ kinh doanh nên lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày của nhà bà Linh nhiều hơn các hộ gia đình khác.

Bà Linh cho biết đến nay, gia đình chưa được thông báo về việc phải phân loại rác thải sinh hoạt. Bà cũng cho biết, cả khu phố này, chưa có hộ gia đình nào sử dụng các loại bao, thùng nhựa đựng rác chuyên biệt để phân loại.

Bà Linh nói: "Bây giờ tổ trưởng phải cấp thì người ta mới phân loại ra được, để riêng rác ra. Cứ phải phổ biến đi rồi bắt đầu có những thùng rác để phân loại thì người ta mới làm, còn hiện tại chưa thấy nên thành thử người ta cứ để chung vậy".Theo quan sát của phóng viên, khu phố này nằm trong một con hẻm nhỏ, chiều ngang rộng hơn 2m nên xe rác không vào được tới từng nhà. Việc thu gom rác được thực hiện bằng xe ba gác tự chế, trên xe không có phân loại riêng từng loại rác. Xe thu gom rác đi làm hai đợt vào khoảng 11h trưa và 17h chiều. Các nhân viên tới lấy rác được để sẵn trước cửa nhà hoặc đầu hẻm rồi cho tất cả lên một thùng xe.

Những con hẻm nhỏ sử dụng xe thu gom rác tự chế, không có dụng cụ phân loại.

Ông Trần Văn Long, người dân phường 13, quận Phú Nhuận nói:"Tôi cứ gom tập thể như vậy chứ không có phân loại gì, cứ đổ hỗn hợp rác vô chung, chỉ lựa ve chai để lấy thôi chứ rác không lựa".

Trước thông tin người dân TP HCM có thể bị phạt đến 20 triệu đồng nếu không phân loại rác khiến không ít người hoang mang và cho rằng quy định này sẽ không khả thi.

Ông Bùi Minh Tuấn, người dân phường 13, quận Phú Nhuận nói: “Tôi đâu biết việc phân loại rác ra sao. Nếu muốn phải có sự tuyên truyền tới từng nhà, phải dạy người ta cách thức phân loại chứ không thể nào chỉ đọc trên mạng mà làm được. Nhiều người đâu thể đọc trên mạng được”.

Người dân TP HCM mong muốn thành phố cần có sự tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể tới từng nhà để người dân nắm rõ và từng bước thực hiện. Bởi thực tế việc phân loại rác tại nhà còn nhiều bất cập từ ý thức của người dân đến phương tiện thu gom rác.

Theo quy định của thành phố, cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn chất thải rắn sinh hoạt phải thực hiện phân loại tại nhà thành 3 loại. Thứ nhất là nhóm chất thải hữu cơ dễ phân hủy như thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật. Thứ 2 là nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế như giấy, nhựa, kim loại, cao su, nylon, thủy tinh và thứ 3 là nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải).

Chất thải tại nguồn sau phân loại phải được lưu chứa trong bao bì hoặc thùng lưu giữ riêng biệt, có dấu hiệu nhận biết loại chất thải. Bao bì, thiết bị lưu giữ chất thải sau phân loại phải có khả năng chống thấm, không làm rò rỉ nước từ rác, bốc mùi...

Cũng theo quy định, UBND phường, xã, thị trấn là cơ quan trực tiếp xem xét, giải quyết các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải và chủ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn liên quan đến việc cung ứng dịch vụ thu gom./.