Những hộ dân này đã và đang phải sử dụng nguồn nước khai thác từ lòng đất và nước sông, kênh, rạch từ nguồn sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Trong khi nguồn nước từ hai con sông này cũng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhiều hộ dân phải mua nước đóng bình, đóng chai để sử dụng.

Người dân sử dụng nước ô nhiễm

Tại một số quận, huyện vùng ven của thành phố Hồ Chí Minh hiện vẫn còn những dòng kênh nước đen, bốc mùi khó chịu và người dân sống ở những khu vực này bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Ông Lê Văn Cư, ở tổ 5, khu phố Long Đại, phường Long Phước, Quận 9 cho biết, nguồn nước bà con ở đây khai thác để sinh hoạt đang bị nhiễm phèn và bốc mùi hôi. Bà con đã phản ánh trong những lần tiếp xúc cử tri, nhưng chính quyền địa phương và các ngành chức năng vẫn chưa có biện pháp khắc phục, dù nhà máy nước Thủ Đức chỉ cách đó không xa.

nuoc_sach1_wlwn.jpg
Nguồn nước bị ô nhiễm bởi rác thải, thuốc trừ sâu nhưng vẫn được người dân bơm về và trữ dùng (Ảnh: NTD)

Khi nguồn nước mặt trên các sông, kênh, rạch ở các quận, huyện ngoại thành bị ô nhiễm nặng và không thể sử dụng thì người dân chuyển sang khai thác nước ngầm từ các giếng khoan. Tuy nhiên, nguồn nước này cũng đang bị ô nhiễm nặng.

Qua phân tích của ngành y tế thành phố, trong hơn 100 mẫu nước đang được các hộ dân sử dụng tại Quận 9, Thủ Đức và các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi đều bị nhiễm vi sinh vật với nồng độ rất cao. Vậy mà mỗi ngày vẫn có khoảng 600.000m3 nước ngầm được người dân ở các quận, huyện ngoại thành khai thác và sử dụng.

Ông Trần Văn Tạo, người dân ở ấp 4, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè bức xúc: “Nước giếng khoan bây giờ nhiễm phèn nhiều quá, người dân ít dùng nên người ta không lọc. Người dân ở đây mong muốn công ty cấp nước làm sao để cho người dân có nước sạch xài, chứ thấy khó khăn quá”.

Nhiều giải pháp, nhưng dân vẫn “khát”

Năm nay, thành phố Hồ Chí Minh đầu tư thêm hơn 10.000 tỷ đồng để xây dựng nhà máy nước Thủ Đức 3, nhà máy nước Tân Hiệp 2, nhà máy nước Kênh Đông 2, nâng cấp các nhà máy nước thuộc trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để nâng công suất cấp nước của thành phố từ 1,7 triệu m3 nước một ngày, đêm lên 2,57 triệu m3 nước một ngày đêm.

Tất cả các dự án này được giao cho Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, hơn 18% số hộ dân của thành phố vẫn đang trong tình trạng “khát” nước sạch thì SAWACO lại đang trình phương án tăng giá nước...

Để giải bài toán thiếu nước sạch cho người dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tháo gỡ khó khăn. Đi đầu trong thực hiện chủ trương này, huyện Củ Chi đang phấn đấu đến cuối năm nay, 100% hộ dân được sử dụng nước sạch. Đặc biệt, hơn 4.000 tỷ đồng huyện Củ Chi đầu tư cho công tác này là nguồn xã hội hóa, không sử dụng ngân sách.

Ông Nguyễn Văn Cảm, Phó trưởng Phòng Kinh tế, huyện Củ Chi cho biết: “Giải pháp căn cơ là chúng tôi sẽ sẽ xây dựng 538,95km hệ thống mạng cấp 1, 2, 3 cung cấp cho 71.646 hộ dân; nâng cấp 15 trạm cấp nước hiện hữu, cung cấp cho 7.965 hộ. Một giải pháp khác là chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác dụng của việc sử dụng nước sạch, để người dân nhận thức được và cùng với chính quyền tham gia vào chương trình này”.

Hiện những nơi thiếu nước sạch nghiêm trọng nhất của thành phố Hồ Chí Minh là: huyện Củ Chi có hơn 103.000 hộ, nhưng chỉ có 3.000 hộ được sử dụng nước sạch (chiếm tỷ lệ 3%); huyện Hóc Môn, tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch là 25%; còn tại Quận 12 cũng mới cung cấp nước sạch cho trên 62% số hộ dân...

Trước tình hình này, một số địa phương thực hiện giải pháp tạm thời là đặt các bồn chứa nước tập trung để cung cấp nước sạch cho bà con. Tuy nhiên, do tập quán người dân chưa quen sử dụng nước máy nên nhiều gia đình còn e ngại.

Điều này cũng làm cho việc thực hiện chỉ tiêu 100% hộ dân của thành phố sẽ được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh vào cuối năm nay theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố gặp khó khăn khi thời gian chỉ còn chưa đến 2 tháng nữa./.