Bắt đầu từ hôm nay (1/10), giá nước sạch tại Hà Nội sẽ tăng thêm 19%. Điều đáng nói là giá nước lại tăng trong bối cảnh người dân Hà Nội hết lần này đến lần khác phải lao đao, khốn đốn vì mất nước do các sự cố vỡ đường ống nước sông Đà liên tiếp xảy ra.
Dư luận đặt câu hỏi, giá nước tăng thì chất lượng dịch vụ cung cấp nước cho người dân có được cải thiện hay không?
Mới cách đây vài ngày, hàng vạn hộ dân ở các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Đống Đa… lại phải vật lộn với cảnh mất nước do đường ống nước sông Đà vỡ lần thứ 15. Chưa hết mệt mỏi về tình trạng mất nước, người dân Hà Nội lại thêm bức xúc trước thông tin giá nước sẽ tăng thêm 19% từ ngày hôm nay (1/10).
Bà Nguyễn Thị Tâm ở quận Cầu Giấy cho biết, khu vực này thường xuyên bị thiếu nước khiến sinh hoạt của gia đình bị đảo lộn. Có nhiều hôm, gia đình bà phải thức dậy từ 1-2 giờ sáng để hút nước từ đường ống mới mong có nước sinh hoạt. May mắn thì có nước dùng, nếu không hút được nước thì phải sử dụng tiết kiệm, thậm chí nhịn tắm, giặt 2-3 ngày.
“Mỗi lần có ít nước, gia đình chúng tôi phải dùng máy bơm để hút nước vào bể. Lẽ ra nước tự chảy vào bể ngầm thì chỉ mất 1 lần bơm nước lên thôi, nhưng nhà tôi phải dùng 2 lần, một lần hút trực tiếp từ đường ống vào, một lần bơm từ bể lên nên tiền điện, tiền nước hết rất nhiều. Vậy thì tăng thêm 19% tiền nước như thế này để bù vào cái gì, tăng giá như vậy thì chất lượng nước có đảm bảo cho người dân được hay không?”- Bà Nguyễn Thị Tâm bức xúc.
Hiện, mức giá nước sinh hoạt trên địa bàn Hà Nội 5.020 đồng/m3 áp dụng cho 10 m3 đầu tiên, trên 10m3 đến 20m3 là 5.930 đồng/m3. Từ 1/10/2015, mức 10m3 đầu tiên có giá bán là 5.973 đồng/m3, trên 10m3 đến 20m3 là 7.052 đồng/m3. Những hộ dân sử dụng trên 30 m3/tháng là 15.929 đồng/m3. Bà Nguyễn Thu Thủy ở quận Thanh Xuân lo lắng khi giá điện, giá nước và các mặt hàng thiết yếu liên tục tăng, trong khi thu nhập của gia đình chỉ ở mức trung bình.
Bà Thủy cho rằng, việc tăng giá nước sinh hoạt trong thời điểm đường ống nước sông Đà liên tục vỡ, dịch vụ cung cấp nước không được cải thiện, khiến người dân thấy khó chấp nhận: "Những lần vỡ đường ống nước như thế thì dân chúng tôi là người chịu ảnh hưởng đầu tiên. Bây giờ không giải quyết được nỗi bức xúc của dân là cải tạo lại đường ống nước để cung cấp nước thường xuyên cho dân mà bây giờ còn định tăng giá nước, tăng giá điện. Người dân như chúng tôi, cán bộ công nhân về hưu, những người dân lao động và những cháu sinh viên ở các tỉnh về sẽ gặp khó khăn.”
Khi giá nước sinh hoạt tăng, khổ nhất là những người thu nhập thấp, người dân lao động, sinh viên thuê nhà trọ vì phải sử dụng nước theo giá kinh doanh. Anh Phạm Văn Hùng, quê ở Thanh Hóa, thuê nhà ở quận Nam Từ Liêm cho biết, hiện trung bình mỗi tháng gia đình anh phải trả khoảng 300 nghìn đồng cho 10m3 nước. Như vậy, sau khi tăng giá sẽ lên khoảng 36 nghìn đồng/m3.
“Tăng giá như thế này, người lao động không có lương cố định, công ăn việc làm như đi câu, làm gì có tiền mà tăng giá như vậy. Nói chung, dịch vụ cung cấp nước hiện nay đã không đảm bảo rồi, tăng giá tiền lên rồi cũng vẫn vậy. Tôi cho rằng, đối với giá tiền nước thu của người lao động hay những người có thu nhập ổn định, những người đi thuê nhà thì nhà nước cần xem xét mức giá như thế nào cho hợp lý”- anh Hùng nói
Trong khi người dân Thủ đô đang “dở khóc, dở cười” vì nước sạch vừa thiếu thốn vừa đội giá, thì các đơn vị phân phối nước lại cho rằng, tăng 19% thì mỗi hộ gia đình trả thêm hàng tháng không nhiều, chỉ 15-20 nghìn đồng đối với một hộ sử dụng 15-16 m3 nước. Lý do tăng giá mà các công ty nước sạch đưa ra là để bù đắp hàng loạt chi phí sản xuất kinh doanh tăng như tiền điện, tiền lương, chi phí khấu hao, hóa chất... Trong khi đó, không thấy công ty nào nêu vấn đề sau khi tăng giá nước sẽ đầu tư mở rộng, nâng cấp các hạng mục để cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ.
Theo ông Nguyễn Anh Việt - Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nước sạch Viwaco, dù có tăng giá lên 19% nhưng thực tế vẫn không đủ bù đắp cho các doanh nghiệp. Để thành phố Hà Nội không còn phải “bao cấp” một phần về giá, thì giá nước sạch khả năng sẽ còn phải tiếp tục điều chỉnh: "Hiện nay thành phố Hà Nội vẫn đang phải bù giá cho các công ty cấp nước, bởi vì chi phí mà các công ty cấp nước bỏ ra không đủ so với những gì thu lại. Đây là một lộ trình đã được làm cách đây 3 năm rồi. Hiện giá nước ở Hà Nội vẫn rẻ hơn rất nhiều so với một số thành phố ở lân cận, ví dụ như thành phố Hải Phòng, thành phố Hải Dương… Việc tăng này vẫn chưa đủ để bù đắp lại những gì các doanh nghiệp đang làm. Hướng đến việc là sẽ không phải bù giá nữa, thì theo lộ trình còn có thể là phải điều chỉnh giá nữa mới đến được cơ chế thị trường”.
Ngoài 2 tuyến ống dẫn nước do Tổng Công ty Vinaconex đang thực hiện, thành phố Hà Nội sẽ đầu tư triển khai một tuyến dự phòng thứ 3 với quy mô nhỏ hơn. Như thế, việc tăng giá nước sinh hoạt đã “đi trước một bước” so với việc Hà Nội đầu tư được hệ thống cấp nước mới. Trong khi các kế hoạch đầu tư, cải thiện hạ tầng cấp nước của chính quyền thành phố vẫn “đủng đỉnh”, chưa biết bao giờ mới trở thành hiện thực, thì trước mắt, hàng vạn hộ dân Thủ đô vừa phải bỏ thêm tiền mỗi tháng để được dùng nước sạch, vừa phấp phỏng lo mất nước do vỡ đường ống sông Đà./.