Tại Khoa Tham vấn và hỗ trợ cộng đồng của Trung tâm Y tế dự phòng quận 8, mỗi buổi sáng, các nhân viên y tế đều phải hoạt động hết công suất.

Tại nơi uống methadone điều trị nghiện ma túy và nơi xin thuốc ARV trị HIV, mỗi ngày đều có khoảng 100 người đến xếp hàng chờ nhận thuốc.

Ở nơi đây tiếp nhận điều trị HIV cho khoảng 1.700 bệnh nhân nhưng chỉ có 1.300 bệnh nhân đang cư trú tại quận 8, còn lại là các đối tượng từ những địa phương khác.

arv_earf.jpg
Điểm phát thuốc ARV miễn phí tại Khoa Tham vấn và hỗ trợ cộng đồng, Trung tâm Y tế dự phòng quận 8, TP.HCM
Cộng thêm với khoảng 350 người điều trị methadone cùng với những hoạt động khác như: cai nghiện tại cộng đồng, giám sát người có AIDS tại địa phương… nên dù có đến 27 người (tức là gấp đôi so với trung bình ở những Khoa Tham vấn và hỗ trợ cộng đồng khác) thì hoạt động ở nơi đây vẫn luôn rơi vào tình trạng quá tải.

Theo tìm hiểu, đa phần các cơ sở điều trị cho người nhiễm HIV khác trên địa bàn TP HCM cũng đều rơi tình trạng quá tải, mà nhiều nhất là ở các quận: Bình Thạnh, Thủ Đức.

Tại Khoa Tham vấn và hỗ trợ cộng đồng, Trung tâm Y tế dự phòng quận Thủ Đức có khoảng 1.600 bệnh nhân HIV được thu dụng điều trị nhưng chỉ khoảng 50% là người địa phương.

Số còn lại đến từ các địa phương lân cận như: Quận 9, các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa -  Vũng Tàu…

Để kịp thời phục vụ bệnh nhân, giờ hoạt động ở đây được đẩy lên sớm 30 phút, tức là bắt đầu từ lúc 7 giờ sáng.

Do việc uống thuốc methadone phải được thực hiện đều mỗi ngày và việc nhận thuốc ARV điều trị HIV phải theo đúng phác đồ điều trị nên nhân viên y tế ở các cơ sở này đều phải làm việc kể cả cuối tuần hay là ngày lễ, Tết.

Việc quá tải trong hoạt động tại những cơ sở điều trị HIV không chỉ gây áp lực lên các nhân viên y tế mà còn ảnh hưởng đến hoạt động điều trị cho người nhiễm HIV.

TP HCM hiện có 31 cơ sở điều trị ARV cho người nhiễm HIV gồm các trung tâm y tế dự phòng, bệnh viện, phòng khám và hầu như những nơi này đều quá tải.

Nguyên nhân là vì dù đã có chủ trương chung người bệnh phải về điều trị HIV tại địa phương nhưng do thói quen, do mặc cảm nên bệnh nhân từ chối về điều trị tại địa phương, trong khi đó, nguồn viện trợ từ nước ngoài bị cắt giảm nên nguồn nhân sự tại các cơ sở điều trị cũng bị cắt giảm theo.

Bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân - Chánh văn phòng Ủy ban Phòng chống AIDS TP HCM cho biết, hiện tại khả năng thu dung thêm bệnh nhân ở những cơ sở điều trị HIV của thành phố là gần như bão hòa, vì thế sắp tới sẽ mở rộng điều trị cho người nhiễm HIV tại các bệnh viện tuyến quận, huyện.

Tại TP HCM có khoảng 25.000 bệnh nhân HIV đã được thu dung điều trị tại 31 cơ sở y tế, nhưng con số này mới chỉ chiếm khoảng một nửa số người nhiễm HIV trong cộng đồng.

Như vậy, nếu không có giải pháp ngay từ bây giờ thì sẽ có rất nhiều người nhiễm HIV tại TP HCM sẽ không được điều trị kịp thời./.