Bắt đầu từ ngày hôm nay (1/12), tại khu di tích danh thắng Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại lễ tưởng niệm 705 năm ngày mất của đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Đại lễ sẽ kéo dài trong 3 ngày, từ 1-3/12.

Đây là một sự kiện lớn của Phật giáo Việt Nam trong năm nay, với điểm nhấn là lễ khánh thành tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Công trình tâm linh này không chỉ làm phong phú thêm quần thể di tích Yên Tử, mà còn nhằm tôn vinh vị tổ sư của Phật giáo Việt Nam - nhân vật được nhiều học giả quốc tế nghiên cứu.  

tuong-phtnt-13.jpg
Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông bằng đồng nguyên khối (Ảnh: phatgiao.org.vn)

Sau gần 4 năm thi công, ở độ cao hơn 900m so với mặt biển, vượt qua bao khó khăn, trở ngại về địa hình, thời tiết, pho tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã được hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 705 năm ngày mất của Ngài. Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông được thiết kế theo mẫu pho tượng của Ngài trong tháp tổ Huệ Quang, có niên đại cổ nhất, trong tư thế ngồi thiền.

Ngài mặc áo của dòng tiểu thừa, eo thon, khuôn mặt hiền từ thoát tục. Bốn mặt bệ đá đặt tượng của Ngài được chạm khắc hoa văn, hoa cúc và những con rồng thời Trần. Thân tượng cao 9,9m, được đúc bằng đồng nguyên khối, nặng 138 tấn. Tổng kinh phí cho công trình này khoảng 80 tỷ đồng. Lễ khánh thành công trình sẽ diễn ra vào ngày 3/12, tức ngày 1/11 Âm lịch.

Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh cho biết lý do xây dựng pho tượng này: “Đức Vua  Phật Hoàng Trần Nhân Tông về đây tu đã làm cho nơi này sống động lên, trở thành rừng thiêng, đất Phật. Cho nên đúc tượng Ngài để cho tất cả mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, đi đâu cũng tưởng nhớ đến công đức vĩ đại của Ngài trong xây dựng đất nước và phát triển đạo pháp, kết hợp hai cái đó trở thành Đạo pháp đồng hành dân tộc”.

Khánh thành công trình tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông có một ý nghĩa lớn đối với Phật giáo Việt Nam. Trần Nhân Tông không chỉ là vị Hoàng đế anh hùng đã tạo nên kỳ tích 2 lần chiến thắng quân Nguyên, mà còn là vị tổ sư sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm, mang tư tưởng hòa nhập đạo với đời, thấm nhuần tính nhân văn sâu sắc, một tư tưởng riêng của Phật giáo Việt Nam.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam cho biết: “Đây là vị vua của Việt Nam xuất gia tu hành thành Phật nên gọi là Phật của Việt Nam. Công đức của Ngài rất lớn, mở đầu cho Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, phối hợp 3 dòng thiền lớn của Việt Nam lúc ấy. Như vậy, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là do một vị vua Việt Nam thành lập, mang màu sắc của dân tộc Việt Nam, thể hiện tinh thần thống nhất dân tộc và thống nhất Phật giáo trong giai đoạn đó. Thời Trần còn gọi là Phật giáo Trúc Lâm, hay Giáo hội Trúc Lâm, tạo được sự thống nhất về mặt tư tưởng, văn hóa, dân tộc và tôn giáo”.

Võ công hiển hách, tư tưởng minh triết ngời sáng vì dân tộc, vì đời sống con người của Phật Hoàng Trần Nhân Tông không chỉ là biểu tượng rực sáng của dân tộc Việt Nam, mà còn là chủ đề nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trên thế giới.

Tại Mỹ, tên tuổi của ông đã được đặt cho một Viện nghiên cứu ở trường Đại học Harvard, một trong những cái nôi của trí tuệ nước Mỹ. Tại đây, các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu về Trần Nhân Tông theo chuẩn mực quốc tế, ứng dụng những tư tưởng nhân ái, giàu trí tuệ của Phật Hoàng Trần Nhân Tông vào cuộc sống, quảng bá những giá trị tư tưởng và sự nghiệp vĩ đại của Trần Nhân Tông trên toàn thế giới.

Hằng năm, Viện Trần Nhân Tông  tổ chức trao giải thưởng cho những người có đóng góp nổi bật cho sự nghiệp hòa giải và yêu thương nhân loại, xây dựng tình hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc, tôn giáo, giải quyết các mối xung đột, chấm dứt chiến tranh, những người đóng góp to lớn trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường sinh thái trên thế giới./.