Tại cuộc họp báo thông tin về công tác của Bộ Tư pháp quý 3/2014 ngày 16/10, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết, dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo đang trình Quốc hội sẽ có vai trò là luật chung của hệ thống pháp luật.

Bộ luật này điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành trên nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia, đồng thời ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, pháp nhân trong giao lưu dân sự.

Trên cơ sở này, trách nhiệm của tòa án và cơ quan có thẩm quyền khác trong việc bảo vệ quyền dân sự sẽ bị ràng buộc bởi trách nhiệm là: Bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân.

img_8937_khww.jpgToàn cảnh cuộc họp báo
Theo ông Dũng, khi người dân có yêu cầu về giải quyết vụ việc dân sự, TAND không được từ chối vì lý do chưa có điều luật áp dụng. Tòa phải áp dụng tập quán, áp dụng tương tự quy định của pháp luật, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và lẽ công bằng để xem xét, giải quyết vụ, việc dân sự.

Việc dự thảo nâng cao “trách nhiệm” của tòa án và các cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự là tôn trọng, bảo vệ quyền lợi của công dân cũng như cụ thể hóa nội dung của các quy định trong Hiến pháp mới.

Tại cuộc họp, Bộ Tư pháp cũng cho biết, trong thời gian qua, công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật được các Bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện thường xuyên và không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Trong 9 tháng đầu năm 2014, Bộ Tư pháp đã kiểm tra 1.746 văn bản quy phạm pháp luật, kết quả phát hiện 561 văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Theo ông Đồng Ngọc Ba – Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật – Bộ Tư pháp, các văn bản có dấu hiệu vi phạm về căn cứ pháp lý, thẩm quyền ra văn bản, nội dung văn bản và sai phạm về hình thức kỹ thuật trình bày.

Ông Ba cho hay, các sai phạm này có tác động đến xã hội ở mức độ khác nhau, trong đó sai phạm về nội dung là 113 văn bản, chiếm 6% số văn bản được kiểm tra.

Đối với một số văn bản của địa phương như việc chỉ đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị, các tổ chức chính trị xã hội và hội doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn về việc tiêu thụ bia sản xuất tại tỉnh Nghệ An, hay như UBND tỉnh Quảng Nam ban hành văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, huyện “ký hợp đồng mua xi măng với Công ty Cổ phần Xi măng Xuân Thành 2”, qua kiểm tra văn bản này, Bộ Tư pháp nhận thấy rằng, chưa phù hợp với quy định của pháp luật, không có căn cứ pháp lý. Bộ Tư pháp cũng đã có công văn với địa phương về việc ra các văn bản này.

Liên quan đến thông tin báo chí việc tỉnh Quảng Ninh ra văn bản về việc yêu cầu các sở, ngành mua 20.000 sim điện thoại của Tập đoàn Viettel trong chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, ông Ba cho biết, Bộ Tư pháp chưa nhận được văn bản chính thức để xem xét đơn vị nào ban hành văn bản, mà chỉ mới biết thông tin qua báo chí nên chưa thể có kết luận đầy đủ./.