Tết, thành phố Hạ Long tấp nập và nhộn nhịp. Người vội vã tìm mua chiếc bánh chưng, con gà, hoa quả để làm bữa cơm tất niên, người thì nhanh chóng hoàn thành nốt những công việc cuối năm để mau chóng trở về nhà. Nhưng, trái với không khí tất bật ngoài kia, xóm trọ nghèo phía sau Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, thường được gọi là “Xóm chạy thận” lại im ắng khác thường.

Như nhiều bệnh nhân khác, bà Chu Thị Khang (59 tuổi, quê ở xã Thanh Lâm, huyện Ba Chẽ) vẫn phải chờ ca chạy thận cuối cùng. Con cái đã ra ở riêng, đối với bà Khang ngày Tết chỉ là dịp về qua nhà thắp nén nhang trên bàn thờ gia tiên chứ cũng chẳng được đoàn tụ cùng gia đình.

Lên bệnh viện từ sáng sớm tinh mơ như mọi lần, nhưng hôm nay bà Khang lại có nhiều lo lắng, trăn trở: “Nhà neo người lắm, mốc hết rồi, toàn mạng nhện thôi. Ở nhà cũng chẳng ai sắm tết gì cả vì có sắm thì cũng không được ở nhà”.

vov_chay_than_1_paeo.jpg
Những ca chạy thận cuối cùng của năm 2018 tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh.

Các thành viên của "xóm", mỗi người một miền quê nên khi tụ về đây, họ chỉ biết nương tựa, giúp đỡ nhau trong cuộc sống hàng ngày. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Bình ở xa nhất, mãi tận huyện đảo Cô Tô, phải bán nhà để chữa bệnh, đây là năm thứ 9 vợ chồng anh Bình gắn bó với xóm nhỏ này.

Đã xong ca chạy thận cuối cùng của năm, anh Bình đang dọn dẹp căn phòng hầu như không có đồ đạc gì đáng giá: “Ở đây lâu năm dần cũng thành quen. Mới đầu không biết xóm này đâu. Năm tết đầu tiên hai vợ chồng cứ ôm nhau khóc. Xa nhà, xa con nhớ lắm. Lúc nào gọi điện nó cũng hỏi Bố ơi sao bố lâu về thế? Sao bố chữa bệnh lâu thế?”

Quây quần như một gia đình lớn, bữa cơm tất niên trước lúc chia tay của những thành viên trong xóm thật cảm động. Phải chạy thận nhân tạo để lọc máu suốt đời, cuộc sống của những người bệnh nơi đây vô cùng khó khăn. Bữa cơm quây quần chiều 29 Tết trên chiếc chiếu cũ bên thềm nhà trở nên đặc biệt hơn khi có thêm con gà, đĩa bánh chưng - quà của những tấm lòng nhân ái.

Chị Vui, vợ anh Bình chia sẻ: Sự quan tâm của mọi người xung quanh, từ những hành động nhỏ nhất vào những ngày giáp Tết cũng khiến “mái nhà chung” này trở nên ấm áp hơn: “Hàng năm, chủ nhà cũng cho 1,2 kg thịt để xóm tập trung ăn cùng nhau. Dù không nhiều nhưng đó là chút tấm lòng để những người trong xóm chạy thận có tinh thần chiến đấu với bệnh tật”.

Những thành viên của "xóm chạy thận" quây quần bên bếp lửa chuẩn bị cho bữa cơm Tất niên.

Căn bệnh suy thận chẳng khác gì "án tử" mà mỗi bệnh nhân đều ý thức sâu sắc. Càng ý thức về sự sống mong manh, họ càng gắn kết, yêu thương và đùm bọc lẫn nhau. Đó chính là động lực lớn lao giúp những bệnh nhân suy thận quên đi nỗi đau, chống chọi với bệnh tật.

Được mọi người thân thiết gọi là “xóm trưởng”, bác Chu Thị Khang như một “chất keo” gắn kết các thành viên lại với nhau:“Có gì cũng san sẻ cùng nhau ăn, có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít. Lúc về lại gọi hỏi nhau ăn uống thế nào, cố gắng mà vượt qua để ngày ấy mình lại gặp nhau”.

Phố xá lên đèn cũng là lúc những thành viên trong "xóm" bịn rịn chia tay như những người ruột thịt, để Mùng 2 Tết, họ sẽ xum họp ở "xóm nhỏ" này, cùng sẻ chia, nương tựa vào nhau chống chọi với bệnh tật. Đau đớn về thể xác, thiếu thốn vật chất... tất cả sẽ được xoa dịu, bởi nơi đây là một Gia Đình./.