Trên dưới 40 năm xa cách, đây là lần đầu tiên hầu hết trong số họ được trở lại thăm Việt Nam, kể từ khi hoàn thành nhiệm vụ và trở về Tổ quốc. Một thời tuổi trẻ gắn bó với Việt Nam, nay người trẻ nhất đã ở tuổi xấp xỉ 70, người nhiều tuổi nhất đã hơn 80. Bấy nhiêu năm đã có biết bao thay đổi, song tình cảm của họ đối với Việt Nam vẫn còn nồng ấm như những ngày nào.

Ông Lebid Volodimir, cựu chuyên gia Ukraine giờ đã ở tuổi ngoài 70 nhưng trong câu chuyện kể về những hồi ức tham gia chiến tranh Việt Nam, mắt ông vẫn ánh lên niềm vui và tự hào. Trở lại Việt Nam lần này, ngoài việc tham dự các hoạt động kỷ niệm 30/4, ông vẫn còn một niềm mong mỏi lớn lao, dẫu biết rằng khó có thể thực hiện được, đó là tìm lại những người đồng đội Việt Nam đã cùng chiến đấu năm xưa.

Ông Lebid Volodimir kể: “Trong một lần chiến đấu tại một địa danh gần biên giới Việt Lào, bỗng máy bay của Mỹ thả bom xuống từ tọa độ trên cao. Ngay lập tức, có 3 chiến sỹ Việt Nam ngã lên người tôi và che đạn cho tôi. Từ ngày đó đến nay, tôi không có tin tức gì của họ, có thể họ còn sống và cũng có thể họ không còn nữa.”

Bao năm qua, ông luôn giữ tấm ảnh của một người trong số họ với hy vọng mong manh rằng sẽ có cuộc hội ngộ kỳ diệu, nhưng có lẽ thời gian không cho phép ông thực hiện ước nguyện của mình.

Trong những hồi ức về cuộc chiến Việt Nam mà các cựu chuyên gia chia sẻ có cả những giọt nước mắt. Không trực tiếp chiến đấu mà làm công tác cố vấn, hướng dẫn các chiến sỹ Việt Nam sử dụng tên lửa của Nga, kỷ niệm mà ông Mikhainovaky Myron không bao giờ có thể quên là sự tàn khốc của chiến tranh:

“Kỷ niệm mà tôi nhớ nhất là một lần tôi gặp hai em nhỏ bên thúng cam ở Nghệ An. Tôi hỏi mua nhưng hai em nói không bán, muốn tặng cho người Nga. Liền ngay sau đó Mỹ thả bom xuống khu vực này, mọi thứ tan tác. Khi tôi nhìn lại thì chỉ thấy hai chiếc nón. Giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy đau lòng, thương xót hai em còn nhỏ quá. Chiến tranh thật khốc liệt, nhưng tôi rất mừng và khâm phục Việt Nam, cuối cùng các bạn đã chiến thắng, đất nước được thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà”.

Những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt của ông. Ông bảo, có lẽ người già thường dễ xúc động. Được trở lại Việt Nam, ký ức về một thời chiến đấu hào hùng làm ông không khỏi bùi ngùi.

Đối với những cựu chiến binh này, thời gian không còn nhiều để họ có cơ hội được trở lại Việt Nam thêm lần nào nữa. Vì vậy, chuyến đi này đối với họ càng có ý nghĩa. Cựu chiến binh Nga Burikov xúc động nói: “Xin cảm ơn Nhà nước Việt Nam, các bộ ban ngành của Việt Nam đã mời chúng tôi sang dự lễ kỷ niệm 35 năm giải phóng Việt Nam, thống nhất đất nước của các bạn. Chúng tôi luôn nói rằng, tình hữu nghị Việt Nam - Liên xô muôn năm và xin chúc đất nước và nhân dân Việt Nam ngày càng phát triển”./.