Tinh giản biên chế phải gắn với chế độ chính sách tiền lương là một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm khi thảo luận về Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 diễn ra ngày 30/10.

Theo đại biểu Cao Đình Thưởng (đoàn Phú Thọ), một trong những bất cập, khó khăn của việc tinh giản biên chế đó là công tác đánh giá, phân loại cán bộ chưa sát thực chất nên không có cơ sở đưa vào diện tinh giản biên chế để cho thôi việc, hưởng chế độ chính sách, số đối tượng thuộc diện tinh giản thực chất phần lớn là những cán bộ công chức sắp đến tuổi nghỉ hưu hoặc đến tuổi nghỉ hưu.

Về vấn đề này, đại biểu Cao Đình Thưởng đề nghị cần đưa ra các tiêu chuẩn chặt chẽ, đồng thời rà soát công tác cải cách hành chính ở các bộ, ngành, địa phương trong việc quy hoạch, tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ công chức, viên chức để tránh việc ngồi nhầm chỗ, tuyển nhầm người.

cao_dinh_thuong_vov_ktaz.jpg
Đại biểu Cao Đình Thưởng (đoàn Phú Thọ) phát biểu tại Quốc hội (ảnh: Quang Vinh)

Nếu theo lộ trình đến năm 2030 chúng ta phải giảm tối thiểu 30% so với hiện nay thì nhiều vấn đề đặt ra trong đó có việc cho ra khỏi bộ máy những cán bộ công chức yếu kém không hoàn thành nhiệm vụ đi đôi với việc tuyển chọn bổ sung cán bộ trẻ, có đức, có tài vào cơ quan nhà nước. Còn nếu chỉ giảm mà không tuyển dụng mới thì phải xem xét lại công tác đào tạo ở các cơ sở giáo dục, nhất là cơ sở giáo dục hiện nay xem để tồn tại như thế nào. Nếu cứ đào tạo ồ ạt như hiện nay sẽ tạo ra sự lãng phí rất lớn, sinh viên sẽ đi đâu, về đâu sau khi ra trường.

Song song với việc cải cách bộ máy hành chính nhà nước, tinh giản biên chế thì điều cần tiếp tục nghiên cứu cải cách chế độ chính sách tiền lương của cán bộ, công chức, người lao động là việc rất quan trọng. Bởi mức lương tối thiểu hiện nay chưa tạo động lực, nhất là đối với người có trình độ năng lực chuyên môn chuyên tâm gắn bó cống hiến với công việc. Do đó, đề nghị Chính phủ sớm có những đánh giá nghiên cứu và đề ra các giải pháp nhằm cải cách tiền lương trong thời gian tới.

Cơ cấu tổ chức đã tạo nên cán bộ "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về"

Cũng cho ý kiến về việc thực trạng tinh giản biên chế, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho rằng, hiện nay, hệ thống văn bản còn nhiều kẽ hở bị lợi dụng, một số luật, văn bản ban hành lại phát sinh thêm biên chế.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) phát biểu - (ảnh: Quang Vinh)

Ngoài ra, cơ cấu tổ chức bộ máy còn nhiều điểm chưa hợp lý, không xác định rõ vị trí việc làm, phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương chưa rõ. Vấn đề này cần phải xem xét, giữa Trung ương và địa phương nhiều khi trùng lặp, Trung ương làm và địa phương cũng làm nhiều khi thừa biên chế, vì thế cơ cấu tổ chức đã tạo nên một số lượng cán bộ "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" chứ không phải là họ lười biếng. Ví dụ, hiện nay trong trường học họ rất cần giáo viên nhưng trong trường học lại có một đối tượng y tế học đường, thực ra nếu biên chế nhiều thì có thêm y tế học đường được. Bây giờ trường học gần bệnh viện, gần trạm y tế, trong đó có thêm một y tế học đường để hỗ trợ thêm vấn đề hướng dẫn học sinh...

“Thực ra đối tượng này trong trường học tôi giám sát là hiệu trưởng không thích, họ muốn có biên chế cho giáo viên thôi. Như vậy, vô tình biên chế đã tạo nên họ "sáng xách ô đi, tối xách ô về" chứ không phải là do họ lười biếng”, đại biểu Ngọc Phương nói.

Ngoài ra, do chính sách đào tạo chưa hợp lý, cung vượt quá cầu và nhu cầu xã hội lớn trong đó có con em của chúng ta và chúng ta rất băn khoăn. Chính vì thế nên tìm mọi cách, tạo mọi biện pháp để tăng thêm biên chế cho con em mình vào, đó cũng là nguyên nhân sinh ra chạy biên chế, chạy chức, chạy quyền. Hiện nay, có 31/63 tỉnh thành sử dụng biên chế vượt 6.376 biên chế, có tỉnh 161 cấp phó chủ tịch xã, phường dôi dư. So với nhiều nước trên thế giới thì đội ngũ công chức của chúng ta là quá lớn./.