Trước đại dịch Covid-19 không thể khẳng định chắc chắn rằng có một quốc gia nào sẽ không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Một số nước được xem là có nền y học phát triển, một hệ thống y tế hiện đại như Mỹ, Đức, Pháp, Ý… cũng đang gặp khó khăn trong công tác phòng dịch, khi dịch bệnh lan nhanh và rộng như hiện nay.
Trong khi đó, thật đáng tự hào khi Việt Nam là một trong số ít quốc gia có biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 tích cực và hiệu quả. Như nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, để công cuộc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thành công, cần phải huy động sức mạnh của toàn hệ thống chính trị, trong đó vai trò, ý thức, trách nhiệm của mỗi công dân có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Với phương châm “chống dịch như chống giặc”, nhân dân đã tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, chấp hành nghiêm chỉnh Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch bệnh.
Khác với những ngày trước đây, theo ghi nhận tại nhiều tuyến phố trên địa bàn Thủ đô, phần lớn người dân đã ý thức hơn trong việc phòng chống dịch bệnh. Phần lớn người dân đều nghiêm túc thực hiện việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, chỉ một số ít người có ý thức phòng dịch chưa cao. Thông điệp 5K của Bộ Y tế được tuyên truyền rộng rãi, thường xuyên vệ sinh sát khuẩn và không tụ tập đông người, nhất là những nơi gần khu vực cách ly:
Thành phố Hà Nội đã kích hoạt công tác tuyên truyền phòng dịch bằng nhiều hình thức. Lực lượng chức năng cũng đã và đang tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm qui định phòng dịch ở nơi công cộng. So với mức phạt không đeo khẩu trang trước đây, mức phạt hiện nay cao gấp khoảng 10 lần, khi áp dụng theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 28/9/2020 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, lực lượng chức năng đã xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để răn đe, nhưng vẫn ưu tiên tuyên truyền để nâng cao ý thức kết hợp với xử phạt.
Thiếu tá Nguyễn Thanh Tuyền – Tổ Cảnh sát trật tự công an phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: "Theo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam là sẽ xử lý nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang, công an phường đã tham mưu cho lãnh đạo ủy ban cùng lực lượng y tế phường tham gia xử lý các trường hợp cố tình không đeo khẩu trang. Trước đây không đeo khẩu trang phạt 200.000 nhưng từ khi có văn bản mới đã phạt lên 2 triệu".
Tại địa bàn phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội, yêu cầu người dân đo thân nhiệt và rửa tay trước khi ra vào làm việc tại trụ sở phường được thực hiện nghiêm. Đồng thời, các thông báo về nâng cao cảnh giác phòng tránh dịch được bổ sung dán ở nhiều nơi như tại cổng vào, khu vực tiếp dân. Đây được cho là việc làm cần thiết để giảm thiểu nguy cơ lây bệnh. Đến thời điểm hiện tại, nhiều người cũng đã hiểu, chủ quan với dịch là điều nguy hiểm.
Ông Nguyễn Tiến Đạt ở phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ: "Tất nhiên người cao tuổi chúng tôi sức đề kháng sẽ kém hơn lớp thanh niên trẻ nên điều đầu tiên mình đi đâu mình phải đeo khẩu trang đã. Thứ 2 là không tụ tập đông người. Thứ 3 là rất hạn chế đi ra ngoài để nhằm bảo đảm cho cả xã hội và cả bản thân mình để tránh những điều phiền toái không cần thiết".
Trong thời điểm hiện nay, khi diễn biến dịch Covid-19 vẫn đang ngày càng phức tạp, nguy cơ dịch lan rộng vẫn còn hiện hữu, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp, của cả hệ thống chính trị thì mỗi công dân cần phải nâng cao ý thức và trách nhiệm xã hội để góp phần bảo vệ bản thân, cộng đồng và đẩy lùi dịch bệnh. PGS. TS Trần Đắc Phu – Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng khuyến cáo: Dịch Covid 19 vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nều người dân lơ là, chủ quan, không tuân thủ nghiêm các qui định về phòng chống dịch bệnh.
"Dịch chưa hết và nguy cơ rất cao, luôn thường trực. trong nước vẫn tiềm ẩn những ổ dịch chúng ta không biết được. Đặc biệt là ở những nơi đi lại nhiều tập trung đông người. Nếu chúng ta không phòng dịch tốt thì sẽ lây lan ra rất rộng. Nếu trong khu vực đó có người dương tính không có triệu chứng thì sẽ lây lan ra khắp cả nước. Rất khó khăn trong truy vết và nếu dịch xảy ra 1 lần nữa thì toàn bộ thành quả chống dịch của chúng ta coi như đổ xuống sông xuống biển hết", PGS. TS Trần Đắc Phu cho hay.
Việc nâng cao ý thức, trách nhiệm công dân trong lúc này chính là thể hiện tinh thần yêu nước, sự chung tay góp sức vào công cuộc phòng chống dịch bệnh, sự đồng lòng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đó cũng chính là thể hiện sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh./.