Quận Gò Vấp trưng dụng 5 trường học cho nhân viên y tế
Tối 12/7, tại cuộc họp báo về cung cấp thông tin tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng cho biết, quận đã triển khai công tác xét nghiệm truy vết để khoanh vùng dập dịch đối với các ca nhiễm mới phát sinh, xác định những nhóm nguy cơ, tổ chức chủ động xét nghiệm nhanh tầm soát ở 5 chợ trên địa bàn, ở các khu vực đông người, khu nhà trọ. Quận cũng thông báo cho tiểu thương các chợ khác có liên quan đến các chợ có nhiều ca nhiễm đến xét nghiệm, qua đó đã phát hiện nhiều ca bệnh.
Hiện số ca mắc COVID-19 tại Gò Vấp là 528 ca, tăng gấp ba lần trong đợt kiểm soát ổ dịch điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng vừa qua. Để đáp ứng khả năng cách ly, quận cũng đã tổ chức thêm 2 khu cách ly với 500 giường và nhanh chóng sửa chữa khu lưu lưu trú công nhân Công ty Huê Phong, khảo sát các khách sạn với tổng số 1.500 phòng.
Đặc biệt, những ngày qua, Bệnh viện quận Gò Vấp được chuyển đổi công năng thành Bệnh viện điều trị COVID-19, đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân nên quận đã hỗ trợ cơ sở vật chất.
"Chúng tôi đã huy động thêm cơ sở vật chất là 5 trường học làm nơi ở, sinh hoạt và phục vụ cho đội ngũ y bác sĩ tăng cường, đảm bảo đội ngũ y bác sĩ ở nghỉ được an toàn, trong điều kiện bệnh viện tập trung điều trị chuyên bệnh nhân COVID-19", ông Dũng nói.
Cần hỗ trợ 500 bác sĩ điều trị cho bệnh nhân COVID-19
Trả lời câu hỏi của phóng viên VOV về nguồn lực ngành y tế trong tình hình gia tăng nhanh các ca F0 hiện nay và sự phối hợp với các lực lượng do Bộ Y tế chi viện, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, hiện nay thành phố huy động lực lượng y bác sĩ để phục vụ 3 mục tiêu: điều tra truy vết trong cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm và điều trị trong các bệnh viện COVID-19 với tổng số gần 12.500 cán bộ nhân viên y tế. Cụ thể, điều tra truy vết có 487 người, nhóm lấy mẫu xét nghiệm 6.682 người và 4.597 y bác sĩ phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19.
Hiện nay, lực lượng chính vẫn là các y bác sĩ các bệnh viện trên địa bàn thành phố, các bệnh viện tuyến trung ương tại TP.HCM đã hỗ trợ 2.014 y bác sĩ. Bộ Y tế cũng đã có kế hoạch hỗ trợ thêm nhân lực, phân công 25 lãnh đạo vụ, cục tham gia công tác phòng chống dịch vào thành phố và sẽ tăng cường thêm lực lượng bác sĩ điều dưỡng tập trung cao nhất cho khối điều trị.
Thành phố cũng đề xuất hỗ trợ 500 y bác sĩ tham gia công tác điều trị tại bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị COVID-19, nhất là điều trị cho những bệnh nhân nặng, có bệnh lý nền. Riêng công tác điều tra truy vết, lấy mẫu xét nghiệm còn có lực lượng quân đội, công an và thanh niên Thành Đoàn TP.HCM tham gia cùng ngành y tế. Do bác sĩ cũng được phân bổ đi nhiều bệnh viện thu dung, điều trị COVID-19 nên tại bệnh viện chính cũng phải cố gắng sắp xếp nhân sự.3
"Lực lượng khám sàng lọc trước khi vào bệnh viện là nhóm cũng rất áp lực khi làm test nhanh để lọc ngay những trường hợp dương tính, không để đi vào trong bệnh viện lây nhiễm những bệnh nhân khác đang nằm trong bệnh viện. Hiện nay anh em ngành y tế đang rất nỗ lực, trong 15 ngày giãn cách cố gắng hết sức để lọc ra được nhóm F0 cơ bản", Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết thêm.
Về công tác lấy mẫu xét nghiệm, lãnh đạo Sở Y tế cho biết, tuần qua, từ khi thành lập thành lập Trung tâm điều hành xét nghiệm, thực hiện việc điều phối mẫu bệnh phẩm ở quận, huyện đưa về các cơ sở để xét nghiệm ngày càng hiệu quả hơn. Việc trả mẫu xét nghiệm cũng thuận lợi và nhanh chóng hơn, với mẫu đơn từ 10-12h và mẫu gộp 24h sẽ có kết quả. Từ đó tạo điều kiện nhiều cho trung tâm y tế các quận huyện tổ chức truy vết phát hiện F0, nhanh chóng đạt mục tiêu tác F0 ra khỏi cộng đồng.
BS Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh, việc lấy mẫu có trọng tâm, trọng điểm, tại vùng lõi của ổ dịch. Trong vùng lõi là đi đến từng nhà nếu khu vực đó phong tỏa. Còn nếu không phong tỏa thì các địa phương linh động, tổ chức 1 điểm lấy mẫu nhưng gọi từng nhà ra, lấy xong nhà này thì gọi nhà khác, tuy chậm mà chắc, không để tụ tập. Qua kiểm tra cho thấy các địa phương tổ chức khoa học, không có việc tập trung đông người.
Về vaccine ngừa COVID-19, ngày 12/7, Bộ Y tế cũng vừa quyết định phân bổ cho TP.HCM 54.990 liều vaccine Pfizer. Dự kiến trong thời gian ngắn nữa, thành phố sẽ tiếp tục nhận thêm 1 triệu liều vaccine Moderna. Như vậy với hơn 1 triệu liều này, thành phố sẽ thành lập Trung tâm điều phối vaccine trực thuộc UBND do 1 Phó Chủ tịch phụ trách, lên kế hoạch tổ chức tiêm để đảm bảo an toàn, nhanh, hiệu quả, không tập trung đông người./.