Trong khu cách ly tập trung đặt tại Trường mầm non Họa My ở thôn 5, xã Quảng Tâm, anh Lương Văn Lý, người trở về từ Bình Dương, cho biết: “Tôi về hôm mồng 3/10, theo chỉ đạo của y tế địa phương phải cách ly tập trung 14 ngày. Từ khi về đây, tôi được test nhanh Covid-19 nhiều lần, kết quả đều âm tính. Chỗ ăn ngủ ở khu cách ly sạch sẽ, ăn uống đầy đủ ngày 3 bữa, đảm bảo sức khỏe. Tôi thấy yên tâm khi cách ly ở đây”.

Ông Nguyễn Quốc Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Tâm cho biết, xã hiện có trên 60 công dân trở về từ vùng dịch các tỉnh phía Nam đang phải cách ly tập trung. Giúp bà con an tâm cách ly phòng dịch, xã kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ tiền, lương thực, thực phẩm, nấu nướng miễn phí phục vụ khu cách ly.

“Theo quy định của cấp trên thu một ngày là 80.000  đồng tiền ăn/1 người, chưa kể tiền nước uống, giấy vệ sinh hay các khoản khác. Theo quy định là như thế nhưng chúng tôi chưa thu đồng nào. Hiện nay trên địa bàn xã chúng tôi đang kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ, giúp đỡ làm “bếp ăn 0 đồng” cho bà con trong khu cách ly. Bà con ở đây còn rất khó khăn, chúng tôi cố gắng kêu gọi ủng hộ để chia sẻ khó khăn cùng chống dịch trong đợt này"- ông Hải nói.

Trong mấy tháng qua, huyện biên giới Tuy Đức (Đăk Nông) đón trên 4.000 công dân trở về từ các tỉnh có dịch Covid-19. Riêng từ đầu tháng 10 đến nay đã có hơn 1.200 người về địa phương. Toàn huyện đã ghi nhận 16 trường hợp dương tính với Covid -19, đều phát hiện tại các khu cách ly tập trung, không có ca mắc trong cộng đồng. 

Ông Trương Đức Minh – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tuy Đức, thông tin, trước việc công dân trở về từ vùng dịch tăng mạnh, UBND huyện đã thành lập 7 khu cách ly tập trung ở tất cả các xã và một khu ở Trung tâm Chính trị huyện. Cách ly tập trung là biện pháp tốt để phòng ngừa dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Theo quy định,  người cách ly tập trung phải trả chi phí 80.000 đồng tiền ăn mỗi ngày. Tuy vậy, huyện thực hiện kêu gọi xã hội hóa đảm bảo không thu phí nhằm hỗ trợ công dân yên tâm cách ly.

“Về chính sách thì những người thuộc diện hộ nghèo thì không thu, được miễn phí, còn lại đối tượng khác thì vẫn thu tiền. Đối với huyện Tuy Đức thì gần như chúng tôi vận động, quyên góp là chính. Việc đưa về cách ly tại các xã là chủ trương tốt, hiệu quả. Khi người dân được đưa về các xã cách ly, họ luôn có cảm giác là bà con thân quen của mình trở về, thành ra việc vận động quyên góp thực hiện hỗ trợ nấu ăn và phục vụ thì rất hiệu quả”- ông Minh nói.

Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, truyền thống tốt đẹp “tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam đã và đang được người dân ở huyện nghèo Tuy Đức phát huy hiệu quả. Tinh thần đoàn kết, sẻ chia sẽ là liều “vaccine” hữu hiệu góp phần ngăn chặn đại dịch Covid-19./.