Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên Môi trường, vụ tàu vận tải Bạch Đằng, trọng tải 2.500 tấn, chở 1.500 tấn bụi than (tro bay) từ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân  đi Cảng Nhơn Trạch, Đồng Nai là một sự cố nhưng không ảnh hưởng lớn tới môi trường biển.

Bộ TN&MT lý giải, đây là một loại tài nguyên tái chế được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào, phụ gia của ngành sản xuất xi măng. Chính vì vậy, về mặt môi trường, sự cố này không gây ảnh hưởng nghiêm trọng về môi trường biển do trong quá trình vận chuyển, đơn vị này phải tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt theo quy định, như đóng gói, bảo quản xỉ tro... 

Ngoài ra, nếu như sự cố chìm tàu gây tràn dầu trên biển, lực lượng chức năng của địa phương sẽ có phương án và trách nhiệm để ngăn chặn việc tràn dầu từ tàu chở hàng này.

Các chuyên gia về môi trường nhận định, sự cố này sẽ có ảnh hưởng tới môi trường biển, tuy nhiên mức độ như thế nào còn phụ thuộc vào vấn đề bảo quản tro bay trong quá trình vận chuyển và sự cố chìm tàu. Nếu tro bay để ở khoang có nắp đóng kín, nước vào từ từ thì không sao. Nếu không có nắp đóng, khi chìm tro bay phát tán thì gây một vùng nước đục khá rộng, có hại cho thủy sinh.

Trước đó, vào khoảng 10h ngày 14/3/2021, tàu vận tải Bạch Đằng, trọng tải 2.500 tấn, gồm 7 thuyền viên, xuất bến tại thời điểm đang chở theo 1.500 tấn bụi than (tro bay) từ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong (Bình Thuận) đi Cảng Nhơn Trạch (Đồng Nai).

Khi hành trình đến khu vực biển bãi sau vịnh Mũi Né, cách bờ khoảng 0,5 hải lý thì bất ngờ bị chìm.

Theo thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận, tất cả các thuyền viên đã được cứu nạn kịp thời ngay trong đêm. Hiện sức khỏe các thuyền viên đều ổn định.

Hiện Cảng vụ hàng hải tỉnh Bình Thuận đang phối hợp với các đơn vị trục vớt tàu. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động kiểm tra hiện trường, rà soát cụ thể để tham mưu phương án ứng phó sự cố tràn dầu (nếu có) trên vùng biển Mũi Né./.