Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ThS.BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhấn mạnh, thuốc điều trị COVID-19, đặc biệt là thuốc kháng virus đều là những thuốc mới được nghiên cứu. Do đó, các đặc tính của thuốc cũng như các tác dụng và độc tính vẫn cần tiếp tục theo dõi, nghiên cứu tiếp.
Trước diễn biến dịch COVID-19 tiếp tục phức tạp, đặc biệt, số F0 phát hiện trong cộng đồng tăng cao. Nhiều người dân không khỏi có tâm lý lo ngại. Theo đó, để phòng dịch, nhiều người đã tìm mua những loại thuốc được "bạn bè mách" hay được quảng cáo trên mạng.
Với tâm lý là F1, chị H.T.V (Hà Nội) được người quen giới thiệu thuốc điều trị virus, với giá thành lên tới hàng triệu đồng. Theo chị V tìm hiểu, có nhiều loại thuốc từ phòng dịch đến điều trị khi đã mắc bệnh. Thuốc cũng được giới thiệu có cả liều lượng cho trẻ em và người lớn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, người dân khi nghe theo lời đồn thổi và truyền tai nhau để mua thuốc điều trị COVID-19, có thể sẽ mua phải thuốc không phù hợp, thậm chí dùng sai thuốc sẽ gây nguy hiểm.
ThS.BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo, các trường hợp xác định mắc COVID-19 nên kết nối chặt chẽ với y tế địa phương để có sự hướng dẫn tốt nhất về mặt chuyên môn, thay vì nghe theo lời truyền miệng hay lời tư vấn của những người bán hàng không có chuyên môn.
"Điều này vừa khiến người dân mất tiền oan và nếu dùng sai thuốc thì có thể gây hại", BS Nguyễn Trung Cấp nhấn mạnh.
Với câu hỏi về trường hợp F0 không triệu chứng hay triệu chứng nhẹ được điều trị tại nhà, song chưa liên hệ được với lực lượng y tế thì cần loại thuốc nào để hỗ trợ điều trị? Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng, nếu như không triệu chứng hay triệu chứng vô cùng nhẹ, người bệnh có thể không cần uống thuốc: "Khuyến cáo tốt nhất với các trường hợp này là nhanh chóng kết nối với y tế cơ sở, y tế địa phương để các nhân viên y tế căn cứ tình hình thực tế của từng bệnh nhân và đưa ra hướng dẫn cần phải làm gì. Đồng thời, các y bác sĩ sẽ tiên lượng ở bệnh nhân đó có thể có gì diễn biến bất thường để lưu ý và đưa đi điều trị kịp thời".
Trước đó, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cảnh báo, việc quảng cáo và rao bán các loại thuốc như: Molnupiravir, Favipiravir và Remdesivir đều là trái phép. Bởi các thuốc này chưa được Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành và mới chỉ được đưa vào sử dụng thí điểm có kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng.
Lợi dụng tâm lý và nhu cầu của người dân, một số đối tượng đã nhập lậu các mặt hàng y tế không qua kiểm định và bán lại với giá cao cho người tiêu dùng.
Trong đó, từ đầu tháng 8/2021, trinh sát Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) phát hiện một số đối tượng thường xuyên giao dịch, mua bán các loại mặt hàng thiết bị y tế và thuốc chữa bệnh, đặc biệt, là các loại thuốc liên quan đến phòng, điều trị COVID-19 do nước ngoài sản xuất.
Sau khi nắm được quy luật hoạt động của các đối tượng, ngày 4/9/2021, tổ công tác Công an quận Bắc Từ Liêm đã phát hiện 1 đối tượng đang giao hàng hóa tại phường Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội có nhiều biểu hiện nghi vấn.
Qua kiểm tra, lực lượng công an đã phát hiện đối tượng Vũ Thị H (SN 1991, HKTT Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội làm nghề Shipper) đi giao 1.000 viên thuốc phòng, điều trị COVID-19 của Nga không có hóa đơn chứng từ. Đối tượng khai nhận được một người tên Thủy thuê để giao hàng.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Bắc Từ Liêm đã triệu tập đối tượng Mai Đức Thủy (sinh năm 1993, HKTT Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đến cơ quan Công an làm việc.
Tại cơ quan Công an, Thủy khai nhận lợi dụng tình hình dịch bệnh phức tạp, tâm lý người dân muốn mua các loại thuốc phòng, điều trị bệnh COVID-19, Thủy mua thu gom từ các nguồn trên mạng để bán kiếm lời. Nếu bán trót lọt có thể thu lợi khoảng 100.000.000 đồng.
Một sự việc cụ thể này, cùng với khuyến cáo của chuyên gia hàng đầu về điều trị COVID-19 là lời cảnh báo tới người dân cẩn trọng trước các lời chào hàng thuốc COVID-19, để không "tiền mất tật mang"./.