Sắp xếp sớm nhân sự cho trung tâm hồi sức
Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, sau khi tiếp nhận thêm Trung tâm Hồi sức COVID-19 từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (đặt trong khuôn viên bệnh viện Dã chiến số 13) thì bệnh viện đang thiếu nhân sự để khám chữa bệnh thông thường.
Hiện nay, nhân sự tập trung cho Trung tâm Hồi sức quá nhiều. Trung tâm chỉ còn 73 bệnh nhân điều trị hồi sức tích cực nhưng có 326 bác sĩ và hơn 200 tình nguyện viên phục vụ. Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc kiến nghị, cần được giao chỉ tiêu bệnh nhân rõ ràng để phân bổ nhân sự hợp lý.
“Trong giai đoạn này chưa biết bệnh nhân sẽ như thế nào. Nếu giảm dần đều thì việc thu gọn nhân sự sẽ rất dễ nhưng nếu như cần chi viện hoặc sắp tới bệnh nhân có thể tăng hay sáp nhập nhiều nơi thì cũng là lực lượng duy trì để chuẩn bị. Do vậy, bệnh viện ý kiến với Bộ Y tế, Sở Y tế là ví dụ trung tâm được giao tối đa 100 nhân sự, 100 bệnh nhân thì sẽ có quy hoạch nhân sự thuận lợi”, PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc nói.
Còn Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã tiếp nhận Trung tâm hồi sức của Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 15/10. Một tuần qua, Bệnh viện này đã tiếp nhận 40 bệnh nhân, trong đó có 9 trường hợp được bàn giao từ Bệnh viện Bạch Mai. Việc tiếp nhận và vận hành trung tâm ban đầu gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về nhân sự.
TS.BS Nguyễn Hoàng Hải - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, từ đầu tháng 7, bệnh viện đã cử lực lượng đến công tác tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (đặt tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2) đến nay đã gần 4 tháng chưa được về. Bệnh viện mong muốn được rút lực lượng này về để hỗ trợ nhân sự cho Trung tâm hồi sức vừa tiếp nhận.
“Với sự hoạt động nhịp nhàng trước đây của quân đội, công an Quận 7, chúng tôi cũng mong rằng sự phối hợp này sẽ được tiếp tục trơn tru, linh hoạt để công tác vận hành tại Trung tâm hồi sức hiện nay là các bệnh viện dã chiến 3 tầng sẽ cứu sống được nhiều người”, TS.BS Nguyễn Hoàng Hải cho hay.
Xây dựng mô hình bệnh viện dã chiến 3 tầng
Cũng tại buổi làm việc, Sở Y tế TP.HCM đã đề xuất Bộ Y tế chấp thuận kế hoạch của Sở về việc xây dựng mô hình bệnh viện dã chiến 3 tầng, trong đó sáp nhập các trung tâm hồi sức COVID-19 với các bệnh viện dã chiến tại đó. Mô hình này sẽ giúp bệnh nhân chỉ nằm tại chỗ, không cần chuyển tầng, giúp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Đồng thời, sẽ tinh gọn bộ máy nhân sự khi ban giám đốc của trung tâm hồi sức cũng phụ trách bệnh viện dã chiến. Từ đó, Thành phố sẽ có cơ chế tài chính cho các bệnh viện 3 tầng này.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, sau khi các trung tâm hồi sức, bệnh viện dã chiến, bệnh viện thu dung điều trị hoàn thành nhiệm vụ, ngành y tế tiến hành rút quân và bàn giao cho TP.HCM. Đến nay, Trung tâm Hồi sức của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã được bàn giao cho Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM và Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Riêng Bệnh viện Trung ương Huế phụ trách trung tâm Hồi sức COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến số 14 sẽ bàn giao vào cuối năm 2021. Về trang thiết bị, vật tư y tế...của 3 bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Huế đã mang đến hỗ trợ Thành phố thì mang về khi rời khỏi nhưng nếu nhận hỗ trợ từ Thành phố hay tài trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức thì phải bàn giao lại để tiếp tục phục vụ điều trị người bệnh.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng đồng ý với kế hoạch xây dựng mô hình bệnh viện 3 tầng của Sở Y tế TP. Nếu dịch COVID-19 giảm dần, các bệnh viện cũng dựa trên cơ sở này để đánh giá tình hình, rút dần lực lượng y tế và đăng ký năng lực tối đa mỗi trung tâm để thành phố có sự điều động:
"Chúng ta phải hoàn tất việc bàn giao dựa trên các nguyên tắc chuyên môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị, những hợp đồng nước thải, xử lý,… tất cả phải có sự bàn giao hết sức kỹ lưỡng, không để một phút giây nào vì việc bàn giao mà ảnh hưởng đến công tác điều trị cho người dân mắc COVID-19”, ông Sơn nói.
TP.HCM hiện đang thực hiện tái cơ cấu hệ thống y tế cho phù hợp tình hình mới. Bên cạnh đó, Thành phố cần có kế hoạch hỗ trợ lực lượng y tế cơ sở về nhân lực, kiến thức, trình độ chuyên môn…để nâng cao năng lực y tế xã, phường; đảm bảo công tác phòng chống dịch./.