Bộ GTVT vừa có Quyết định 1777 về việc triển khai thí điểm vận tải hành khách theo tuyến cố định từ ngày 13/10. Sở GTVT TP.HCM và các tỉnh, thành lân cận đã đánh giá và đưa ra giải pháp cụ thể. Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương cho rằng rất khó có thể triển khai thí điểm xe khách liên tỉnh như yêu cầu của Bộ GTVT.
TP.HCM đã sẵn sàng thí điểm
Để triển khai Quyết định 1777, tối 11/10, Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi Sở GTVT các tỉnh, thành trong cả nước về việc đề xuất tần suất hoạt động của xe khách liên tỉnh với mức tối thiểu 5% và tối đa không quá 30% số chuyến trong 7 ngày của từng đơn vị theo lưu lượng đã được cho phép khai thác trước đó và có giãn cách chỗ trên phương tiện.
Khách đi từ TP.HCM phải đáp ứng điều kiện là tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương, có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe. Trường hợp chưa đủ điều kiện tiêm vaccine theo quy định của Bộ Y tế khi đi cùng người thân trên chuyến xe phải đáp ứng xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực 72 giờ, khai báo y tế và không tham gia chuyến đi khi có các triệu chứng ho, sốt...
Với khách đến TP.HCM, phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong 72 giờ trước khi lên xe, tuân thủ 5K, khai báo y tế và không tham gia chuyến đi khi có các triệu chứng ho sốt, khó thở…
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Phan Công Bằng cho biết: Sở đã rà soát đánh giá công tác chuẩn bị của các bến xe liên tỉnh và các đơn vị kinh doanh vận tải nhằm đáp ứng thời gian thí điểm theo chỉ đạo của Bộ GTVT.
“Đối với vận tải liên tỉnh thì ngoài Quyết định 1777 của Bộ Giao thông, TP cũng xây dựng các Bộ tiêu chí an toàn với các lĩnh vực. Trong đó ngành giao thông vận tải cũng đã xây dựng bộ tiêu chí ban hành tại Quyết định 3324 và vừa rồi có điều chỉnh một số điều cho phù hợp với tình hình mới. Những quy định đó cũng đảm bảo nội dung an toàn phòng chống dịch, thuận lợi nhất cho người dân lưu thông bằng vận tải hành khách”, ông Bằng cho hay.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Sở GTVT tỉnh Bình Dương đã có văn bản gửi các đơn vị vận tải hành khách đăng ký khai thác tuyến cố định hoạt động thí điểm, thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, đến chiều 12/10, vẫn chưa có đơn vị vận tải nào đăng ký hoạt động trở lại trong giai đoạn thí điểm.
Còn Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, ông Dương Mạnh Hưng cho hay, Sở đã có văn bản gửi 30 tỉnh, thành để thống nhất các phương án. Mới đây, tỉnh Đồng Nai đã thống nhất với TP.HCM và tỉnh Vĩnh Long về triển khai xe khách liên tỉnh, các địa phương còn lại vẫn chưa phản hồi. Theo ông Hưng, Đồng Nai luôn sẵn sàng triển khai theo quy định của Bộ GTVT.
Tây Ninh còn nghi ngại
Trong khi TP.HCM đã sẵn sàng mọi phương án thực hiện thí điểm vận tải liên tỉnh thì Tây Ninh đang bày tỏ sự nghi ngại. Ông Nguyễn Tấn Tài- Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tây Ninh cho biết, do tỷ lệ tiêm vaccine trên địa bàn còn thấp nên địa phương đang xem xét việc thực hiện thí điểm.
“Chuyện này mình phải cân nhắc kỹ bởi nếu không khéo thì thành quả chống dịch đổ sông đổ biển. Chuyện này còn tuỳ thuộc vào tỷ lệ bao phủ vaccine, thành phố thì được ưu tiên vaccine nó khác, còn các tỉnh khác, còn một số tỉnh tỷ lệ vaccine thấp, bây giờ cho hoạt động sớm cũng không nên lắm”, ông Tài nêu ý kiến.
Còn phía doanh nghiệp vận tải hành khách ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thì cho rằng, quyết định thí điểm xe khách vận tải liên tỉnh của Bộ GTVT đưa ra rất khó đáp ứng ngay được. Bởi, đa số tài xế, nhân viên xe khách ở tỉnh này chưa tiêm đủ liều vaccine, thậm chí chưa tiêm mũi 1, việc này nằm ngoài khả năng của doanh nghiệp.
Ông Trần Ngọc Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Thắng cho rằng: “Thí điểm mà làm lại vận tải liên tỉnh từ ngày 13 - 20/10 là tin rất là vui, nhưng doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là tiêm vaccine có đủ 2 liều. Công ty cũng có làm đơn xin qua Sở Y tế hoặc là bên Sở GTVT. Đến thời điểm này hầu như lái xe chưa được tiêm. Vậy ngày 13/10 chắc chắn là mình không thực hiện được”.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng cho biết, hiện nay tình hình dịch bệnh không giống nhau nên phương tiện ở vùng xanh đi rất dễ nhưng chiều về lại rất khó nếu nơi đến là vùng đỏ, vùng cam. Hiện Sở GTVT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đang kiến nghị các giải pháp để gỡ khó cho doanh nghiệp.
Còn tỉnh Long An ngày mai sẽ bắt đầu vận hành thí điểm tuyến xe buýt liên tỉnh Tân An - Chợ Lớn. Việc hoạt động trở lại bước đầu chỉ với tần suất 50% so với ngày thường. Thời gian thí điểm dự kiến từ ngày 13/10 đến hết ngày 20/10. Theo Phó Giám đốc GTVT tỉnh Long An, ông Nguyễn Thành Ngoãn, sau khi thí điểm, Long An sẽ tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động cũng như bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Từ đó tiếp tục xây dựng phương án mở rộng thêm một số tuyến xe buýt khác kết nối giữa Long An với TP.HCM./.