Phát biểu tại buổi họp giao ban Ban Chỉ đạo về phòng, chống dịch COVID-19 của TP.HCM diễn ra sáng 14/6, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM đánh giá tình hình hiện nay đang đặt ra cho thành phố nhiều thử thách, đòi hỏi cần phải quyết liệt hơn nữa trong thực hiện mục tiêu kép.
Theo Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên việc chống dịch của thành phố bước đầu đã có những kết quả nhưng đến nay vẫn còn nhiều điều đáng lo ngại. Đó là, số người thuộc diện F1, F2 ngày càng lớn; ngoài cộng đồng chưa biết còn bao nhiêu người âm thầm mang mầm bệnh; nhiều chuỗi lây nhiễm chưa xác định được nguồn lây; nhiều trường hợp chưa có triệu chứng lây nhiễm, trong khi các hoạt động tầm soát không thể phát hiện trong thời gian ủ bệnh.
TP.HCM ngày càng xuất hiện những ca bệnh không ngờ đến, một trong số do là do chủ quan lơ là. Ví dụ, từ một người bán nước giải khát cho rất nhiều người; một nhân viên hành chính gây nguy hiểm cho một thành trì cho tuyến đầu chống dịch; một tiệc nhậu gây lây lan đến cả vùng…
Ông Nguyễn Văn Nên thống nhất với đề xuất tăng cường biện pháp phòng chống dịch, cần thiết phải kéo dài thời gian cách ly thêm một thời gian nữa, tương ứng với chu kỳ lây bệnh mới. Trong áp dụng phương pháp phòng chống dịch, những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao thì cần dự liệu đến tình huống không thể kiểm soát được để áp dụng biện pháp cao hơn; nơi nào bảo đảm an toàn cao thì chúng ta thực hiện phòng ngừa căn bản và có thể thực hiện Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
“Như thế tình huống đặt ra trên địa bàn TP chúng ta sẽ áp dụng nhiều biện pháp như thế thì phải có sự phối chặt chẽ, có kế hoạch cụ thể nhịp nhàng để mọi kế hoạch hành động đều phải chủ động, hạn chế tối đa thiệt hại khi không cần thiết. Có nghĩa ra khi mọi biện pháp linh hoạt đảm bảo mục tiêu kép thì đồng thời đi kèm các giải pháp chặt chẽ để thực hiện nó có tính khả thi”, ông Nên nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 phối hợp với Viện Pasteur xét nghiệm lại ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM để chặn đứng chuỗi lây nhiễm. Bởi đây là “mục tiêu đặc biệt cần phải bảo vệ”. Đồng thời, tăng cường nâng cao ý thức từng người, từng nhà, từng địa phương tránh tình trạng “một người chủ quan cả làng vất vả”. Với các địa phương trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Nên yêu cầu người đứng đầu các cấp chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường thanh kiểm tra, xem xét các trường hợp xảy ra dịch, nếu có yếu tố chủ quan thì xử lý nghiêm.
Trong kế hoạch tiêm vaccine, Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu cần tính chi tiết lộ trình để nhân dân biết, bàn, thực hiện và giám sát; mở cơ chế thuận lợi nhất cho các địa phương chủ động. Tăng cường lực lượng điều tra phục vụ truy vết, chọn người có khả năng trình độ, bởi đây là công đoạn cực kỳ quan trọng để hạn chế lây lan; xử lý nghiêm người khai báo không trung thực làm lạc hướng truy vết… Ngoài ra, cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với ban chỉ đạo các tỉnh, không để xảy ra trường hợp thiếu đồng bộ như trong thời gian qua. Bí thư Thành uỷ TP.HCM cũng đề nghị xúc tiến nhanh biện pháp phòng chống dịch, ví dụ như vòng đeo tay theo dõi mà các nước đang sử dụng…
Áp dụng giải pháp cần phải linh hoạt
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hoà Bình yêu cầu TP.HCM phải tiếp tục Chỉ thị 15. Việc áp dụng chỉ thị về phòng chống dịch COVID-19 sẽ có ảnh hưởng đến kinh tế xã hội và cần đánh giá thực tế…
“Áp dụng các biện pháp phải hết sức linh hoạt. Ví dụ, như Gò Vấp đã kiểm soát tốt thì hạ xuống cấp độ, thực hiện Chỉ thị 15. Các quận khác đang phát hiện mới lây nhanh trong cộng đồng, không phải khu trú mà lây trong cộng đồng, không phải chuỗi trừ truyền giáo mà từ chuỗi khác thì cần thiết phải áp dụng Chỉ thị 16, có nên chăng là áp dụng cả quận hay phường, tuỳ theo diễn biến thực tế, nếu lây lan rộng thì áp dụng cả quận, không thì phường thôi”, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nhấn mạnh.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng đề nghị đánh giá kỹ hơn về nguyên nhân trong thời gian qua để có giải pháp tốt hơn; cần phải kiểm soát chặt chẽ địa bàn, phát huy vai trò tổ COVID-19 cộng đồng, tổ dân phố…Quản lý các cơ quan tổ chức, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu cách ly, tất cả phải có chế tài, nơi nào để xảy ra tình trạng lây lan dịch bệnh thì phải xử lý người đứng đầu...
Kết luận tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM sáng nay (14/6), Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Trưởng ban Chỉ đạo đề nghị tiếp tục giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng chính phủ thêm 2 tuần nữa.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, dù sau 2 tuần thực hiện giãn cách xã hội nhưng tình hình dịch bệnh trên địa bàn diễn biến vẫn còn phức tạp. Đặc biệt, tình trạng lây nhiễm của nhiều chuỗi chưa rõ nguồn lây, cho thấy khả năng dịch đã len lỏi trong cộng đồng từ đầu tháng 5.
Thống kê cho thấy, từ 18/5 đến 13/6, TP.HCM ghi nhận 821 ca mắc Covid-19; dịch bệnh đã lan rộng ra 22/22 quận huyện và TP. Thủ Đức, trong đó quận Gò Vấp nhiều nhất với 115 ca bệnh. Ông Nguyễn Thành Phong đề nghị tiếp tục giãn cách xã hội thêm 2 tuần: “Tôi đề nghị chúng ta tiếp tục giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15 thêm 2 tuần nữa. Riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, Quận 12 chuyển từ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 15. Tuỳ thuộc và diễn biến của dịch bệnh, mức độ kiểm soát trong một tuần tới thì một số khu vực có thể chuyển sang thực hiện Chỉ thị 16 hoặc Chỉ thị 19”.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng đề nghị chủ tịch các quận, huyện, TP. Thủ Đức tăng cường kiểm soát, kiểm tra mạnh mẽ hơn nữa, xử lý nghiêm những trường hợp, những nơi không chấp hành nghiêm chỉ đạo của UBND TP về công tác phòng chống dịch. Cán bộ, công chức cần nghiêm túc phải nêu gương; làm việc tại cơ quan phải luôn luôn đeo khẩu trang, sau giờ làm việc tuyệt đối ở nhà…
Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh đã đề xuất phương án tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn TP theo các nội dung của Chỉ thị 15 kể cả quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, Quận 12, thời gian giãn cách là 14 ngày từ 15/6 và sau một tuần sẽ đánh giá lại tình hình để đề ra biện pháp phòng dịch phù hợp thực tế.
Trước đó, TP.HCM đã áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15h ngày 31/5 trên địa bàn toàn TP.HCM. Riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) thì giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp phòng chống dịch COVID-19./.