Cụ thể, 15 trường hợp này phân bố tại Quận 7 (1 ca), Quận 11 (1 ca), Quận 12 (3 ca), Gò Vấp (2 ca), Tân Phú (4 ca), Tân Bình (3 ca), Hóc Môn (1 ca).

Trong 15 trường hợp nghi nhiễm có 13 trường hợp liên quan đến nhóm truyền giáo Phục hưng đã được cách ly từ trước. Có 1 trường hợp làm chung tòa nhà với BN4514, BN4583 liên quan đến chuỗi lây nhiễm tại một công ty ở Quận 3. Trường hợp này đã được cách ly tập trung từ ngày 18/5; 1 trường hợp còn lại được phát hiện khi khám sàng lọc tại bệnh viện đang được  điều tra, xác minh nguồn lây.

Từ ngày 27/4 đến nay TP.HCM ghi nhận 299 ca mắc mới, hiện đứng thứ 4 cả nước về số ca Covid-19 cộng đồng trong đợt dịch này.

Dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM đang có dấu hiệu chững lại và số ca đang giảm dần

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.HCM diễn ra chiều nay (4/6), Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đánh giá số ca nhiễm giảm là tín hiệu lạc quan nhưng cần phải quyết liệt để có thể đuổi kịp và chặn đứng dịch hoàn toàn sau 2 tuần.

Báo cáo tại buổi họp, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, dịch đang có dấu hiệu chững lại và số ca đang giảm dần. Cụ thể là cuối tháng 5/2021, số ca nhiễm lên đến 50 ca mỗi ngày, đến 1/6 là 43 ca và đến hôm qua 3/6 còn 26 ca.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh nhận định, sắp tới có thể số ca nhiễm sẽ tăng thêm vì có những ca F1 đã có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng nay mới phát bệnh. Nhưng những trường hợp này đều đã được cách ly từ đầu nên không còn nguy cơ lây lan trong cộng đồng.

Tại buổi họp, đại diện các quận Gò Vấp, Quận 12, TP Thủ Đức cũng đã báo cáo các giải pháp đang thực hiện trong thời gian qua. Trong đó, Chủ tịch quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng cho biết việc thực hiện Chỉ thị 16 đã có những kết quả bước đầu; hiện lưu lượng giao thông trên địa bàn quận giảm mạnh, chỉ còn 10 – 20% so với ngày thường, người dân hợp tác cùng chính quyền thực hiện Chỉ thị 16, hạn chế ra đường…Quận đang tiếp tục triển khai việc mở rộng khu cách ly, tiếp tục cùng với TP thực hiện việc giãn cách.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND Quận 12 Lê Trương Hải Hiếu cho biết, thực hiện Chỉ thị 16 thì phường Thạnh Lộc đã đóng 30/52 lối vào phường và kiến nghị duy trì việc áp dụng các phần việc như hiện nay bởi các ca mắc mới ở phường Tân Thới Nhất là đã được kiểm soát từ trước: "Kiến nghị là duy trì như hiện nay và chúng ta tăng cường lấy mẫu xét nghiệm. Vì hiện nay áp dụng Chỉ thị 16 thêm một phường nữa thì lực lượng làm không nổi".

Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đánh giá tình hình tuy khả quan nhưng không thể coi thường và cần phải tập trung cao độ để khống chế dịch: "Việc cảnh giác không thể coi thường, phải cảnh giác cao. Chúng ta bắt đầu thực hiện việc giãn cách gần được 1 tuần. Chúng ta đã đi gần hết nửa thời gian và quyết liệt làm sao trong 2 tuần giãn cách phải đuổi kịp và vượt cơn sóng lần thứ 4 để chặn đứng và kiểm soát hoàn toàn".

Ngoài ra, ông Dương Anh Đức đề nghị các địa phương phải rà soát lại các phần việc, thẳng thắn góp ý các vấn đề tồn tại để làm sao công tác phòng chống dịch tốt hơn. Các quận, huyện, TP cần chủ động việc duy trì các chốt kiểm soát; bố trí lực lượng, phân công hợp lý vì nguồn lực hữu hạn để duy trì việc phòng chống dịch lâu dài.

Ra vào các chợ đầu mối ở TP.HCM phải khai báo y tế

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, Sở Công thương TP.HCM yêu cầu tất cả người ra vào các chợ đầu mối đều phải thực hiện khai báo y tế, trước đây việc này chỉ thực hiện đối với người đi xe tải chở hàng vào chợ. Hiện các chợ đang đóng bớt cổng ra, vào, phân luồng, bố trí lực lượng tăng cường thực hiện việc này.

Thành phố có 3 chợ đầu mối, trung bình mỗi chợ một ngày- đêm có từ 10.000-15.000 lượt người ra vào, lúc cao điểm lên đến gần 20.000 lượt. Thực hiện yêu cầu của Sở Công thương thành phố, hôm qua, Chợ đầu mối Bình Điền thực hiện việc khai báo y tế.

Tuy nhiên, ngày đầu tiên thực hiện đã xảy ra tình trạng ùn ứ  phương tiện tại cổng ra, vào và nơi khai báo y tế. Sáng nay, chợ đã phân luồng  nên tình trạng này được khắc phục. Bên cạnh đó, chợ đầu mối này cũng đóng lại bớt các cửa ra vào chợ, còn tại những lối đi tiếp giáp với khu dân sinh thì đặt các chốt kiểm soát việc khai báo y tế.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết: “Sở Công thương thành phố đã làm việc với 3 chợ đầu mối chỉ có 1 đường vô chợ duy nhất, phải ngăn lại các  lối khác không cho xe máy chạy tự do vào chợ.  100% người vô chợ phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt và khai báo y tế. Càng lúc yêu cầu phòng chống phòng dịch ở chợ đầu mối càng cao cao hơn”.

Còn tại Chợ đầu mối Hóc Môn, chiều nay (4/5), đơn vị này triển khai việc khai báo y tế đối với người đi xe gắn máy, khách đi bộ ra, vào chợ. Riêng đối với gần 1 ngàn nhân viên phụ việc cho các vựa rau, củ và chủ hàng thịt heo, chợ yêu cầu chủ vựa và chủ hàng thịt ký cam kết chịu trách nhiệm việc khai báo y tế hàng ngày của nhân viên mình.

Bà Lê Hồng Đào- Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh Chợ đầu mối Hóc Môn cho biết:  Chợ cũng đóng bớt các cổng ra, ban ngày chỉ mở 1 cổng và ban đêm mở 2 cổng, đồng thời chỉ mở 1 cổng nhập chợ để kiểm tra thân nhiệt và kiểm soát việc khai báo y tế. Chợ cũng thành lập 3 đội phản ứng nhanh để kiểm tra, hướng dẫn, kiểm soát việc phòng chống dịch bệnh và xử lý trường hợp vi phạm.

“Chủ vựa phải chịu trách nhiệm việc khai báo y tế  của toàn bộ  lao động phụ việc cho vựa và trang bị đồ đo thân nhiệt. Hằng ngày, người khai phải ghi cụ thể nhiệt độ từng người vào tờ khai, biểu hiện, triệu chứng lâm sàng và dọn dẹp khu vực vệ sinh quầy, sạp nếu không thực hiện những vấn đề này thì chúng tôi sẽ xử lý”, bà Đào nói./.