Đây là sự khởi động phù hợp với xu thế thích ứng an toàn với đại dịch. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mô hình “hộ chiếu vaccine” vẫn còn thiếu một quy trình rõ ràng, gắn kết trách nhiệm giữa các địa phương dưới sự hướng dẫn thống nhất của nhạc trưởng là Bộ Y tế.
Quy trình đón và cách ly y tế với công dân có hộ chiếu vaccine về cơ bản không khác so với các chuyến bay giải cứu công dân đã thực hiện trước đây. Tất cả công dân đều phải tiêm đủ liều vaccine và phải có xét nghiệm PCR trong thời gian quy định, hoặc có giấy chứng nhận đã khỏi bệnh của nước điều trị. Điều khác biệt là thời gian cách ly tập trung tự trả phí giảm từ 14 ngày xuống còn 7 ngày. Vào ngày đầu tiên nhập cảnh và ngày thứ 7, công dân được xét nghiệm Covid-19 và khi có kết quả âm tính sẽ được trở về địa phương tiếp tục cách ly 7 ngày tại nhà.
Đón các chuyến bay thí điểm hộ chiếu vaccine, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện quy trình chặt chẽ, đảm bảo an toàn, khóa chặt nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, lây nhiễm chéo ngay từ khâu đầu tiên tại sân bay Vân Đồn đến di chuyển và tổ chức cách ly tập trung.
Đại tá Đặng Công Chúng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh khẳng định: "Sau khi hoàn thành các thủ tục nhập cảnh ở sân bay, Bộ chỉ huy quân sự sẽ tiếp nhận toàn bộ các công dân và đưa lên xe với kế hoạch lập trình sẵn. Trên mỗi xe, chúng tôi đều có người áp tải từ sân bay về bàn giao trực tiếp cho các cơ sở cách ly. Sau đó, cả xe và lái xe đều về cách ly ở một khu vực ở thành phố Hạ Long và định kỳ xét nghiệm theo quy định".
Qua đón 3 chuyến bay thí điểm hộ chiếu vaccine ở Quảng Ninh có thể thấy, quá trình đón ở sân bay, di chuyển người nhập cảnh về khu cách ly tập trung và quá trình cách ly, xét nghiệm không nảy sinh vấn đề cần xử lý. Tuy nhiên, sau khi công dân đã hoàn thành cách ly tập trung 7 ngày, trên đường trở về các địa phương đã nảy sinh không ít bất cập, gây khó cho cả người dân và đẩy lực lượng chống dịch trực tiếp tại các địa phương vào thế bị động. Đơn cử vào ngày 12/9 vừa qua, chuyến xe đưa 22 công dân đã hoàn thành cách ly rời Quảng Ninh về Hà Nội đã rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan suốt 18 tiếng đồng hồ tại chốt kiểm soát vào Thủ đô.
Anh Đặng Tuấn Dũng công dân trở về từ Nhật Bản cho biết: "Quá trình di chuyển về Hà Nội, tất cả mọi người trên xe đều có các giấy tờ tùy thân và xác nhận cách ly đầy đủ. Nhưng chúng tôi bị mắc kẹt 18 giờ đồng hồ trên chốt kiểm soát trước khi vào Hà Nội. Chúng tôi không biết liên hệ với ban ngành nào để giải quyết, xin quay lại Quảng Ninh để cách ly cũng không được và vào Hà Nội họ cũng không tiếp nhận... mãi sau có một người nhận là người tổ chức chuyến bay nhận trách nhiệm, hỗ trợ thức ăn và giải quyết thủ tục thì chúng tôi mới vào được Hà Nội…".
Chị Nguyễn Thu Thủy, du học sinh Nhật Bản đi cùng chuyến xe chia sẻ: "Việc áp dụng công nghệ thông tin là rất cần thiết. Nhất là đưa thông tin bằng văn bản tiếng Anh của Việt Nam hiện nay chưa được đầy đủ so với nhiều nước trong khu vực như Philippines, Indonesia thậm chí như Myanmar có những trang để đưa thông tin cần phải cài những ứng dụng gì, thời gian cách ly là bao nhiêu, phải chuẩn bị những giấy tờ gì khi về nước… Việt Nam cũng nên cung cấp thông tin đầy đủ hơn, minh bạch, rõ ràng hơn nhất là việc sử dụng hộ chiếu vaccine ngày phổ biến ở nhiều nước. Đây là chuyến đầu tiên đóng công dân Việt Nam trở về, nếu đón các chuyên gia nước ngoài vào làm việc mà bị kẹt như thế này, tôi nghĩ sẽ rất mệt mỏi".
Các lực lượng chống dịch ở cơ sở (xã/phường) tại nhiều tỉnh, thành phố nơi có công dân hộ chiếu vaccine về cách ly tại nhà cũng rơi vào tình trạng bị động, không có thông tin kịp thời và chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong bàn giao, quản lý công dân sau khi hoàn thành cách ly tập trung theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid 19.
Ông Vũ Ngọc Chiến, Trưởng Ban chỉ đạo chống dịch phường Trần Hưng Đạo, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương cho biết: "Với địa phương chúng tôi, công dân đã chủ động khai báo với tổ Covid cộng đồng sau khi trở về địa phương chứ phường không nắm được thời gian, thời điểm công dân trở về. Đến thời điểm này, chúng tôi chưa được tiếp cận với văn bản hướng dẫn của hộ chiếu vaccine. Chúng tôi đề nghị được thông tin 2 chiều, chủ động nắm bắt được thời gian, địa điểm công dân trở về địa phương để tránh trường hợp công dân về không khai báo y tế với tổ Covid và đã có những tiếp xúc những người dân khác khi trong người có những mầm bệnh thì sẽ gây những hậu quả khó lường".
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng đề nghị: "Có những lúc công dân về địa phương rồi văn bản mới về sau dẫn tới việc theo dõi cách ly không chặt chẽ. Để làm tốt việc này thì ngoài việc thông báo kịp thời bằng văn bản, thì cần quán triệt công dân việc tự giác khai báo y tế và hướng dẫn chuyên môn về cách ly y tế tại nhà".
Qua kinh nghiệm đảm bảo y tế an toàn cho các chuyến bay giải cứu công dân và thí điểm các chuyến bay hộ chiếu vaccine, ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh cho biết băn khoăn lớn nhất là việc xác thực các giấy tờ pháp lý bắt buộc phải có khi nhập cảnh: "Các bộ ngành sẽ phải giám sát từ các nước bạn về việc chuẩn chỉ của hộ chiếu vaccine. Các quy trình về Việt Nam cũng cần thực hiện xét nghiệm, giám sát, cách ly để đảm bảo được rằng không để mang virus về và phát tán ca bệnh trong cộng đồng".
Qua thực hiện thí điểm các chuyến bay hộ chiếu vaccine ở Quảng Ninh, nếu được Chính phủ cho phép triển khai chính thức thì các bộ, ngành liên quan, nhất là Bộ Y tế cần có sự điều chỉnh kịp thời những bất cập nảy sinh, hướng dẫn các quy định, thủ tục nhất quán với quy trình triển khai thống nhất trong toàn quốc. Có như vậy, hộ chiếu vaccine mới là chìa khóa thành công để nối lại giao thương quốc tế nhưng vẫn kiểm soát an toàn được dịch bệnh, góp phần thực hiện mục tiêu kép mà Chính phủ đã đề ra./.